Ngày 7/5 là tròn một năm kể từ khi ông Putin chính thức trở lại điện Kremlin trong nhiệm kỳ ba. Theo giới chuyên gia, ông Putin duy trì được ổn định kinh tế và chính trị Nga, nhưng mối quan hệ của Mátxcơva với Washington vẫn còn căng thẳng.
Cựu điệp viên KGB 60 tuổi đã giành chiến thắng áp đảo với 63,6% số phiếu trong cuộc bầu cử ngày 4/3 năm ngoái, cuộc bầu cử mà ông không có đối thủ xứng tầm. Trước khi trở lại, ông đã làm thủ tướng dưới chính quyền của Tổng thống Medvedev trong 4 năm. Và khi Putin lên làm Tổng thống, ông và ông Medvedev đã có một cuộc “hoán đổi” tiếp, với kết quả là ông Medvedev trở thành Thủ tướng Nga.
Cuộc bầu cử cách đây một năm được diễn ra sau khi có làn sóng biểu tình chống Kremlin lớn nhất từ thời hậu Xô Viết, với nhiều nhân vật đối lập trẻ đã làm nên tên tuổi của mình qua các mạng xã hội và mong ước có thể thách thức ông Putin trong cuộc bầu cử năm 2018.
Ông Putin đã chỉ đích danh Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ cho các hoạt động chống đối ở nước này, một cáo buộc làm xấu thêm mối quan hệ Mỹ - Nga vốn đã không suôn sẻ sau khi Nga phủ quyết các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Và đó mới chỉ là khởi đầu của “cuộc chiến” ngoại giao. Mối quan hệ của hai bên nhanh chóng rơi xuống mức thấp, giống như thời kỳ ông Putin nắm quyền trong 2 nhiệm kỳ giữa năm 200-2008. Cụ thể là Mỹ cáo buộc các quan chức Nga vi phạm nhân quyền trong vụ giam giữ một luật sư Nga, rồi thông qua luật cấm các quan chức này tới Mỹ. Nga đã đáp trả bằng luật cấm người Mỹ nhận trẻ em Nga làm con nuôi.
Những vấn đề chưa được giải quyết về phòng thủ tên lửa châu Âu, quan điểm nguyên tắc của Matxcơva về việc không thể nhận sự can thiệp bên ngoài vào cuộc khủng hoảng nội bộ của Iran, nhưng chấp nhận quyền của Iran đối với chương trình hạt nhân hòa bình của nước này cũng tạo ra một loạt đối kháng với Mỹ và phương Tây.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào bản đồ các chuyến thăm chính thức của ông Putin, cũng như danh sách các nguyên thủ quốc gia đến thăm Nga trong năm qua, sẽ thấy được tính đa phương trong chính sách đối ngoại của Matxcơva. Trong thời gian qua, Tổng thống Nga đã đến thăm Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Israel, Palestine, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác. Mới đây, trong điện Kremlin, ông Putin đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, và hai bên tuyên bố sẵn sàng nối lại đàm phán về một hiệp ước hòa bình giữa Nga và Nhật Bản. Sự sẵn sàng đó là một bước đột phá, nếu tính đến thực tế hai nước tuy hợp tác kinh tế nhưng 67 năm qua vẫn ở trong tình trạng chiến tranh.
Điểm đáng chú ý là uy tín của ông Putin ở trong nước tăng cao. Một cuộc điều tra do VTsIOM, cơ quan có liên quan đến Kremlin, cho thấy 48% người Nga tin rằng “không có sự thay thế nào hơn Putin”. Con số này cao hơn 6% so với tỷ lệ ủng hộ ông vào năm 2003.
Một cuộc điều tra của Trung tâm Levada uy tín cũng cho thấy 65% người được hỏi đánh giá ông Putin làm nhiều việc có lợi hơn là có hại cho Nga trong 1 năm qua. Cuộc điều tra cũng chỉ ra, nhóm lớn nhất, 30%, coi thành tựu lớn nhất của ông Putin là khả năng ông “đưa nước Nga trở lại vị trí cường quốc lớn”.
Theo chuyên gia lịch sử Pavel Svyatenkov, một kết quả quan trọng của năm thứ nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Putin là đã duy trì được mức ổn định kinh tế và chính trị trong xã hội. “Những hậu quả cuối cùng của cuộc khủng hoảng năm 2009 đã được giải quyết. Tình hình kinh tế ở mức cao và ổn định. Vấn đề khó khăn nằm ở thực tế là bản thân nền kinh tế Nga thiên về xuất khẩu nguyên liệu sẽ tạo ra cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, từ quan điểm tài chính và kinh tế, năm cầm quyền đầu tiên của ông Putin cơ bản là thành công.”
Ông Putin cũng được đánh giá cao trong cuộc chiến chống tham nhũng. “Năm vừa qua rất sôi động và được đánh dấu bằng hoạt động chống tham nhũng gia tăng đáng kể và tái tổ chức bộ máy nhà nước, áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn, các quy tắc nghiêm ngặt hơn cho các quan chức và doanh nghiệp cận quốc doanh”, Chủ tịch Viện Chiến lược quốc gia Nga Mikhail Remizov bình luận.
Ngoài ra 1/3 các câu trả lời trong cuộc điều tra của Trung tâm Levada đều ca ngợi thành công của ông Putin trong “đánh bại xu hướng ly khai (bên trong nước Nga) và giữ cho đất nước khỏi bị chia rẽ”. “Đây là năm mà Putin cố gắng trấn an mọi người bằng minh chứng ông kiểm soát được tình hình”, nhà phân tích chính trị Pavel Svyatenkov cho biết với hãng thông tấn Ria Novosti.
“Điều quan trọng nhất là Putin không thay đổi (so với 2 nhiệm kỳ trước)”, giáo sư Trường cao học Kinh tế Leonid Polyakov nhận xét. “Ông hiểu nhiệm vụ, trách nhiệm của mình đối với công việc phục vụ nước Nga”, Polyakov cho biết trên hãng thông tấn IA Regnum.
Bản thân ông Putin không kỷ niệm 1 năm trở lại điện Kremlin, bởi ông vẫn tiếp tục lịch trình làm việc dày đặc của mình, trong đó có các cuộc đàm phán ở Mátxcơva với người đồng cấp Ukraine Viktor Yanukovych. Nhưng một nhóm những người ủng hộ ông đã chất một bức tường hoa ở trung tâm Mátxcơva với dòng chữ “Nước Nga muôn năm”.