Ngày 15-5, các thành viên Đại Hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua một nghị quyết mới kêu gọi tiến hành một tiến trình chuyển tiếp chính trị ở Syria. Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác đã lên tiếng chỉ trích nhiều phần trong nội dung bản nghị quyết này.
Được đề xuất bởi Qatar, một nước bị Syria chỉ trích là đã cung cấp vũ khí cho phe đối lập, nghị quyết với nội dung không ràng buộc pháp lý này đã nhận được 107 phiếu thuận, 12 phiếu chống và 59 phiếu trắng. Như vậy, số nước ủng hộ nghị quyết này đã hạ xuống đáng kể so với một nghị quyết có nội dung chỉ trích chính phủ Syria được đưa ra bỏ phiếu hồi tháng 8-2012 với 133 phiếu thuận, 12 phiếu chống và 31 phiếu trắng.
Trong bản Nghị quyết mới được thông qua, Đại hội đồng LHQ đã nhắc lại lời kêu gọi về một tiến trình chuyển tiếp chính trị, được họ xem như là “cơ hội tốt nhất để giải quyết tình hình một cách hòa bình”. Nghị quyết này đã lên tiếng chỉ trích chính quyền Syria vì đã sử dụng vũ khí hạng nặng và vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống. Nó cũng kêu gọi các nước có sự hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho các nước láng giềng của Syria, nơi đang tiếp đón 1,5 triệu người tị nạn Syria và nhấn mạnh “tình cảnh khó khăn” của hơn 4 triệu người bị mất nhà cửa ở Syria. Ngoài ra, bản nghị quyết này cũng đã hoan nghênh sự thành lập của Liên minh Dân tộc Syria và nói rằng họ “là một người đại diện hiệu quả cần thiết cho một tiến trình chuyển giao chính trị”.
Phát biểu trước đại biểu của 193 nước thành viên Đại Hội đồng, bà Maria Luiza Ribeiro Viotti, đại diện thường trực tại LHQ của Brazil, tuyên bố: “Việc văn bản này không có sự thúc giục mạnh mẽ việc chấm dứt ngay sự quân sự hóa cuộc xung đột là điều vô lý”. Bà cho rằng điều này sẽ làm suy yếu quyết tâm của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt cuộc xung đột thông qua các biện pháp ngoại giao. Theo cáo buộc của chính quyền Syria, các nước Qatar, Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Anh và Pháp đã trang bị vũ khí cho phe nổi dậy. Các nước này đã bác bỏ những lời cáo buộc của Syria, tuy nhiên lực lượng nổi dậy vẫn tiếp tục nhận được vũ khí.
Nga đã kịch liệt chỉ trích nghị quyết này và tuyên bố đây này “rõ ràng là một văn bản một chiều”. Họ đã viết thư tới tất cả các nước thành viên LHQ đề yêu cầu bỏ phiếu chống bản nghị quyết. Nga tuyên bố rằng bản nghị quyết này đã làm xói mòn những nỗ lực mà Nga, Mỹ trong việc tổ chức một hội nghị hòa bình trong đó có sự tham gia của cả chính quyền của ông Assad lẫn thành viên phe đối lập, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6 tới. Ông Alexander Pankin, phó đại diện thường trực của Nga tại LHQ, nói rằng bản nghị quyết này là “rất nguy hiểm và tiêu cực” và khẳng định rằng bản nghị quyết này tìm cách “thay đổi chế độ” ở Syria.
Trước cuộc bỏ phiếu, đại diện tại LHQ của Syria, Đại sứ Bashar Ja’afari cũng khẳng định với Đại hội đồng LHQ rằng nghị quyết này sẽ đi ngược lại những nỗ lực của Nga, Mỹ nhằm thúc đẩy một giải pháp ngoại giao để chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài 2 năm và đã giết chết hơn 80 nghìn người này. Ông Bashar Ja’afari cho rằng “bản dự thảo nghị quyết làm leo thang cuộc xung đột và thúc đẩy tình trạng bạo lực ở Syria” thông qua việc công nhận Liên minh Dân tộc Syria đối lập cũng như việc hợp pháp hóa việc cung cấp vũ khí cho họ.
Được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước phương Tây và các nước Ả-rập vùng Vịnh, nghị quyết này ban đầu còn đưa ra đề xuất trao ghế của Syria tại LHQ cho Liên minh Dân tộc Syria. Tuy nhiên, nhiều nước đã lên tiếng phản đối gay gắt bởi họ lo ngại rằng điều này sẽ tạo tiền đề cho việc hợp pháp hóa những cuộc nổi loạn.
Ecuador, nước đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu nghị quyết về Syria lần trước, nói rằng họ bỏ phiếu chống nghị quyết lần này bởi lo ngại rằng nó sẽ hợp pháp hóa một cuộc nổi loạn và đặt câu hỏi là “nước nào sẽ là nước tiếp theo” được đưa ra bỏ phiếu về việc này. Còn Indonesia, từng bỏ phiếu thuận cho nghị quyết hồi tháng 8-2012, cho biết họ bỏ phiếu trắng bởi nghị quyết lần này có ngụ ý công nhận phe đối lập Syria.
Một lý do khác khiến cho sự ủng hộ cho bản nghị quyết bị giảm xuống bởi nhiều nước cho rằng nó mở cánh cửa cho sự “thay đổi chế độ” bởi các lực lượng bên ngoài Syria. Ngoài ra, họ cũng những lo ngại về sự tham gia các nhóm Hồi giáo cực đoan mạnh mẽ trong thành phần phe đối lập. Từ lâu nay, các chuyên gia đã khẳng định rằng nhóm vũ trang đối lập Mặt trận al-Nusra đang nhận sự hỗ trợ từ mạng lưới al-Qeada ở Iraq. Nhóm này đã lên tiếng chịu trách nhiệm về nhiều vụ đánh bom lớn ở Damascus và Aleppo và nhiều thành viên của nhóm cũng đã tham gia vào các đơn vị khác thuộc lực lượng đối lập Syria.
Nghị quyết về Syria được thông qua đúng vào ngày mà Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon bắt đầu chuyến công du tới Moscow để bàn bạc tìm biện pháp kêu gọi tất cả các bên ở Syria tham gia hội nghị quốc tế mà Nga và Mỹ đề xuất.