Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 12-5 đã chúc mừng Chính phủ và người dân Pakistan đã tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14, với tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử đạt gần 60% - mức cao nhất kể từ năm 1977.
Ông Ban Ki-moon đánh giá cao quyết tâm của các đảng phái chính trị và các cá nhân đã tham gia bầu cử bất chấp những mối đe dọa về an ninh trước thềm bầu cử.
Ông nhấn mạnh rằng với việc tham gia bầu cử, các cử tri Pakistan - trong đó có đông đảo thanh niên, phụ nữ và những người lần đầu tiên đi bỏ phiếu - đã thể hiện sự tôn trọng Hiến pháp và mong muốn có một nhà nước dân chủ.
Cuộc bầu cử này đánh dấu lần đầu tiên tại Pakistan một chính phủ dân sự hoàn thành trọn vẹn nhiệm kỳ 5 năm và chuyển giao quyền lãnh đạo cho một chính phủ kế nhiệm được bầu.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng ca ngợi cuộc bầu cử quốc hội ở Pakistan, nhấn mạnh đây là "sự chuyển giao chính phủ dân sự hòa bình và minh bạch" và là "dấu mốc quan trọng" trong tiến trình xây dựng dân chủ ở quốc gia này.
Ông nêu rõ Washington sẽ tiếp tục hợp tác với chính phủ mới ở Pakistan như "các đối tác bình đẳng."
Trên trang Twitter cá nhân, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cũng bày tỏ hy vọng sẽ bắt đầu một chương mới trong mối quan hệ láng giềng với Pakistan.
Về phần mình, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai kêu gọi chính phủ sắp tới ở Pakistan hỗ trợ nước này xúc tiến đàm phán nhằm chấm dứt hoạt động của phiến quân Taliban trong nhiều năm qua.
Các điểm bỏ phiếu tại Pakistan đóng cửa tối 11-5 và công tác kiểm phiếu đang được khẩn trương tiến hành. Theo kết quả sơ bộ, Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML- N) - đảng đối lập theo đường lối trung hữu của cựu Thủ tướng Muhammad Nawaz Sharif - dẫn đầu trong cuộc tổng tuyển cử với 115 ghế trong quốc hội - nhờ thắng lớn tại hai thành phố được coi là "sân nhà" của đảng này là Lahore và Sargodha thuộc tỉnh Punjab - tỉnh đông dân nhất Pakistan. Đảng Phong trào Công lý Pakistan (PTI) đứng vị trí thứ hai với 37 ghế, trong khi Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) đứng thứ ba với 33 ghế, chủ yếu ở tỉnh Sindh.
Như vậy, PML-N đã giành đa số ghế cơ bản trong quốc hội nhưng nhiều khả năng sẽ phải liên minh với các đảng khác để có thể giành được đa số quá bán là 172 ghế. Ông Nawaz Sharif, 63 tuổi - người từng hai lần giữ cương vị thủ tướng - sẽ trở lại lãnh đạo đất nước một lần nữa.
Ngày 12-5, ông Nawaz Sharif đã bắt đầu có các cuộc thảo luận về việc thành lập chính phủ với một số nghị sỹ độc lập và xem xét một số vị trí bộ trưởng chủ chốt trong nội các.
Mục tiêu chính của chính phủ mới là thúc đẩy kinh tế, đấu tranh chống tham nhũng, chống khủng bố và tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng hiện khiến nước này có khi bị cắt điện tới 20 giờ mỗi ngày.
Cuộc tổng tuyển cử hôm 11-5 ở Pakistan được đánh giá là "khá yên bình," mặc dù vẫn xảy ra các vụ đánh bom tại một số nơi - đặc biệt là tại thành phố cảng Karachi (miền Bắc nước này).
Trong 22 ngày vận động tranh cử, đã có hơn 110 người thiệt mạng - trong đó có 3 ứng cử viên - và hơn 350 người bị thương trong các vụ đánh bom và xả súng.
Theo kênh truyền hình địa phương Urdu TV, chỉ riêng trong ngày bầu cử 11-5 đã có ít nhất 32 người thiệt mạng và 224 người bị thương trong 43 vụ tấn công bạo lực trên khắp Pakistan.
Mới đây nhất, trong đêm 12-5, ít nhất 6 người thiệt mạng và 46 người bị thương trong vụ tấn công liều chết nhằm vào nhà tổng thanh tra cảnh sát tỉnh Balochistan, ở biên giới giữa Pakistan và Afghanistan.
Theo truyền thông địa phương, trong vụ tấn công trên, một kẻ đánh bom liều chết lao xe chứa đầy thuốc nổ vào nhà riêng của Tổng thanh tra cảnh sát Mushtaq Sukhera.
Ông Sukhera không bị tổn hại trong vụ tấn công. Hiện chưa có tổ chức nào nhận gây ra vụ này.