Thế giới rơi vào "vùng nguy hiểm mới"

09:45, 14/05/2013

Thế giới đã bị đẩy vào một "vùng nguy hiểm mới" khi con người phải sống trong bầu khí quyển có mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính dioxid carbon (CO2) cao nhất trong vòng 3-5 triệu năm.

Đây là cảnh báo của người đứng đầu cơ quan khí hậu của Liên Hợp Quốc, bà Christiana Figureres trong tuyên bố ngày 13/5 hối thúc thế giới hành động nhằm đưa ra chính sách giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

 

Bà Figureres nêu rõ chỉ số CO2 400 ppm (400 mg CO2/lít không khí) là con số cao nhất trong lịch sử nhân loại và thế giới đã "vượt mức lịch sử, đi vào một vùng nguy hiểm mới".

 

Theo Trạm quan sát khí tượng Mauna Loa Observatory ở Hawaii - Mỹ, lượng CO2 đo được trên chưa từng xảy ra trong vòng 3-5 triệu năm, thời điểm nhiệt độ Trái Đất ấm hơn vài độ C và mực nước biển cao hơn hiện nay từ 20-40 m.

 

Các chuyên gia cho rằng sự tích tụ CO2 trong không khí chính là nguyên nhân chính dẫn đến sự ấm lên của Trái Đất, tạo ra hiệu ứng nhà kính. Đây là một vấn đề lớn của môi trường kể từ khi con người thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp.

 

Theo dữ liệu của đài quan sát Mauna Loa từ năm 1958, chỉ số CO2 lúc đó chỉ vào khoảng 317 ppm và thời kỳ trước cuộc cách mạng công nghiệp chỉ vào khoảng 280 ppm.

 

Mặc dù ngưỡng bị vượt 400 ppm còn mang nhiều tính phỏng đoán, song với cường độ phát triển và hoạt động công nghiệp nhiều như hiện nay thì không sớm thì muộn, chỉ số này sẽ còn tăng cao thêm nữa. Các nhà khoa học cho rằng Trái Đất hiện đang ở trạng thái ấm nhất trong khoảng ít nhất là 11.300 năm trở lại đây và nó làm băng ở hai cực tan ra, khiến mực nước biển dâng cao.

 

Các nhà hoạt động môi trường kêu gọi thế giới nên coi báo động trên như một lời cảnh tỉnh trong nỗ lực hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.