Thị trường có đảo chiều?

10:38, 23/05/2013

Trước đó, nhờ các gói nới lỏng định lượng của FED và làn sóng nới lỏng tiền tệ mới của các ngân hàng T.W trên toàn cầu như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, Ngân hàng T.W châu Âu... đã giúp nhà đầu tư tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn của kinh tế Mỹ và toàn cầu.

Tuy nhiên, nếu FED chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng - vốn bị nhiều chuyên gia kinh tế kêu gọi cần phải thu hẹp suốt gần một năm qua, thị trường toàn cầu đã gây ra những nghi ngại về đà hồi phục của kinh tế thế giới.

 

Ngay từ hồi tháng 2, khi những thông tin về việc ngừng bơm 85 tỷ USD ra thị trường còn đang nằm trong dự tính của các quan chức FED, Thống đốc Ngân hàng T.W Mexico đã cảnh báo, một số nền kinh tế mới nổi có thể đối mặt với tình trạng dòng vốn đột ngột đảo chiều khi các nước phát triển ngừng chương trình nới lỏng tiền tệ.

 

Người đứng đầu Ngân hàng T.W Ấn Độ cũng đã bày tỏ lo ngại việc ngừng nới lỏng định lượng của các nước này sẽ làm gián đoạn dòng vốn vào Ấn Độ. Trong khi đó, ngay tại Mỹ, các hộ gia đình vốn đã quen với môi trường lãi suất thấp cũng bày tỏ sự lo âu cho tương lai của mình khi lãi suất đột ngột tăng cao.

 

Chuyên gia kinh tế Quỹ tiền tệ quốc tế tuần trước cảnh báo, nguy cơ lãi suất dài hạn tăng khiến các doanh nghiệp "chùn tay" trong việc đầu tư sản xuất. Nhu cầu thuê thêm nhân công sẽ giảm và nhiều khả năng Chính phủ Mỹ không thể đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 6,5%, từ đó hủy hoại đà tăng trưởng kinh tế, ổn định tài chính của kinh tế Mỹ nói riêng, kinh tế toàn cầu nói chung.

 

Trong một diễn biến có liên quan, Ngân hàng T.W Nhật Bản (BOJ) tuyên bố tiếp tục theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ ngay cả khi kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi. Theo đó, BOJ sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản, đồng thời duy trì biện pháp bơm tiền ra thị trường từ 60 - 70.000 tỷ Yen/năm (683 tỷ USD).

 

Mặc dù biện pháp nới lỏng tiền tệ do BOJ đã từng bước tiếp thêm niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư đối với "sức khỏe" của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới nhưng BOJ cũng khẳng định sẽ bơm tiền một cách linh hoạt khi lãi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản tiếp tục tăng cao.