Đài RFI (Pháp) bình luận, những hành động gây hấn của Trung Quốc như đưa du khách đến Hoàng Sa, đưa tàu với chiến đấu cơ yểm trợ đến vùng biển Senkaku, đưa quân xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ... đang gây lo ngại ngày càng lớn cho các nước láng giềng Châu Á.
Xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam
Ngày 28.4.2013, con tàu chở du khách Trung Quốc đầu tiên đã rời bến ở Hải Khẩu (tỉnh Hải Nam) để đi tham quan quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Điều đáng nói là chương trình du lịch nói trên đã được chính quyền Trung Quốc khuyến khích và được báo chí nước này cổ vũ, bất chấp việc vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Hôm 30.4, trước câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước một số hành động của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, như việc quan chức cao cấp Trung Quốc cắt băng khánh thành nhà sách Tân Hoa trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa), tổ chức đưa khách du lịch tới quần đảo Hoàng Sa và chuẩn bị tổ chức thi câu cá tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị khẳng định, những hành động gần đây của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
“Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa. Những việc làm trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, không tuân thủ Tuyên bố cấp cao giữa ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC và vi phạm DOC, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở biển Đông” - Người phát ngôn Lương Thanh Nghị nói. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các việc làm sai trái nêu trên, không làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở biển Đông.
Đòn “trắc nghiệm” phản ứng
Theo nhận định của RFI, động thái gây hấn của Trung Quốc là cách để “trắc nghiệm phản ứng của các quốc gia láng giềng đang có tranh chấp lãnh thổ”. Cũng liên quan đến tranh chấp trên biển Đông, Trung Quốc hôm 26.4 “lên án” việc Philippines kiện ''bản đồ lưỡi bò'' của Trung Quốc ra trước Tòa án biển của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, Philippines tỏ rõ quyết tâm sẽ theo đuổi vụ kiện này đến cùng, dù nó có thể kéo dài 2-3 năm - theo lời Bộ trưởng Ngoại giao Albert del Rosario.
“Vụ kiện ra tòa quốc tế là phương án cuối cùng được lựa chon, sau hàng loạt nỗ lực mà Philippines đã tiến hành qua các kênh chính trị và ngoại giao” - ông Del Rosario trả lời phỏng vấn trên ABS-CBNnews.com hôm 30.4. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, vấn đề cốt lõi trong căng thẳng biển Đông là việc Trung Quốc hung hăng tuyên bố có “chủ quyền không thể tranh cãi với toàn bộ khu vực biển”.
Hồi tháng 3, Trung Quốc khiến dư luận thế giới phản ứng mạnh mẽ khi đưa lực lượng đặc nhiệm của hải quân đến bãi ngầm James của Malaysia - nơi chỉ cách bờ biển Malaysia có 80km - trong lúc cách bờ biển Trung Quốc đến 1.800km!
Nhật cảnh báo “mối đe dọa chưa từng có”
Theo phân tích của bà Stephanie Kieine-Ahlbrandt - một chuyên gia về chính sách ngoại giao của Trung Quốc thuộc tổ chức International Crisis Group - có vẻ như thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc đang muốn thúc đẩy yêu sách chủ quyền mạnh mẽ hơn đối với các nước láng giềng.
Tại vùng biển Hoa Đông, báo chí Nhật hôm 28.4 cho biết các máy bay quân sự Trung Quốc, chủ yếu là chiến đấu cơ, đã thực hiện hơn 40 chuyến bay nội trong ngày 23.4 để yểm trợ cho các tàu hải giám thâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản tại quần đảo tranh chấp Senkaku. Một quan chức của Nhật đã bình luận “đây là mối đe dọa chưa từng có”. Theo tờ Sankei, các chiến đấu cơ Trung Quốc bao gồm cả Sukhoi-27 và Sukhoi-30 đã được nâng cấp.
Sự gây hấn không dừng ở tranh chấp lãnh hải. Trên biên giới đất liền, Trung Quốc đã đưa một nhóm binh sĩ vượt biên giới tiến sâu 19km vào phần lãnh thổ mà Ấn Độ kiểm soát và dựng trại tại đây. Mặc dù truyền hình Ấn Độ chiếu các hình ảnh về trại lính này của Trung Quốc, chỉ nằm cách các vị trí của quân đội Ấn Độ có 100m, phía Trung Quốc vẫn khẳng định là quân của họ không hề vượt qua biên giới Ấn - Trung.
Các bộ trưởng quốc phòng ASEAN họp bàn “bảo vệ người dân”. Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ tổ chức Hội nghị bộ trưởng quốc phòng (ADMM) lần thứ bảy - cơ chế quốc phòng cao nhất trong khối - tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei từ ngày 6-8.5. Hội nghị thường niên ADMM sẽ tập trung thảo luận và trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc phòng, an ninh hiện nay cũng như những thách thức mà khu vực đang phải đối mặt.
Chủ đề của ADMM năm nay là “Cùng nhau bảo vệ người dân và tương lai của chúng ta”, phù hợp với những nỗ lực của ASEAN trong việc xây dựng cộng đồng và hướng tới một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, đặc biệt là Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN (APSC). A.P
|