Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du Châu Mỹ: Mở rộng tầm ảnh hưởng

09:57, 01/06/2013

Sau Nga và một số nước Châu Phi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chọn Châu Mỹ trong chuyến thăm thứ hai. Kéo dài từ ngày 31/5 đến 8/6, nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ thăm ba quốc gia Trung Mỹ là Cộng hòa Trinidad & Tobago, Costa Rica và Mexico trước khi tới Mỹ.

Chuyến đi có ý nghĩa đặc biệt khi ông Tập Cận Bình là Chủ tịch nước đầu tiên của Trung Quốc đặt chân đến vùng Caribe nói tiếng Anh. Rõ ràng, ngoài đối tác "truyền thống" là Mỹ thì chặng dừng chân tại ba quốc gia Caribe của ông Tập Cận Bình khẳng định Bắc Kinh đã sẵn sàng mở rộng ảnh hưởng tới những quốc gia xa xôi nhất. Nói cách khác, chuyến xuất ngoại thứ 2 của Chủ tịch Tập Cận Bình là một phần của chiến lược đối ngoại "toàn phương vị" mà bộ máy lãnh đạo mới ở Trung Quốc xác lập sau đại hội 18.

 

Lựa chọn các quốc gia Trung Mỹ làm điểm đến trong chuyến đi của ông Tập Cận Bình trong bối cảnh hiện nay đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Không phải ngẫu nhiên người đứng đầu Trung Quốc lại chọn Trinidad & Tobago - quốc gia có ngành dầu khí phát triển, có thể là đầu cầu năng lượng mới cho nền kinh tế thứ hai thế giới đang khát năng lượng. Tại đây, Trung Quốc sẽ ký kết một số văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế và thương mại cũng như giáo dục. Một điều thú vị là chuyến thăm Trinidad & Tobago của nhà lãnh đạo Trung Quốc diễn ra chỉ vài ngày sau chuyến thăm nước này của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden.

 

Trong khi đó, ở Costa Rica, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ trao đổi với lãnh đạo nước chủ nhà nhằm tăng cường quan hệ song phương và mở rộng hợp tác. Theo đó, hai bên cũng sẽ ký kết nhiều văn kiện kinh tế và thương mại. Riêng Mexico, đối tác quan trọng của Trung Quốc tại Mỹ Latinh, hai bên sẽ trao đổi quan điểm về nâng cao mức độ đối tác chiến lược song phương và thắt chặt mối quan hệ thực tế. Sau Mỹ Latinh, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tới Mỹ và có cuộc hội đàm với Tổng thống Barack Obama về các vấn đề song phương và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.

 

Việc Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng đến Mỹ Latinh đã trở thành sự kiện đối ngoại khu vực thể hiện nguồn tài nguyên thiên nhiên của khu vực dồi dào như thế nào, cũng như sự trỗi dậy của các nền kinh tế tại Caribe đã và đang thu hút sự quan tâm của các cường quốc.

 

Thực tế, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh mối quan hệ đầu tư và thương mại với các nước đang phát triển với ưu tiên là Châu Phi và Mỹ Latinh. Các nền kinh tế Mỹ Latinh hiện tiếp nhận 13% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc, khoảng 31 tỷ USD. Mục đích được cho là nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu thô để Trung Quốc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như tạo ảnh hưởng địa - chính trị lớn hơn trước người bạn Mỹ. Có một chỉ dấu rõ ràng cho thấy sự hiện diện ngày càng đáng quan tâm của Trung Quốc ở Mỹ Latinh, đó là cường quốc Châu Á đang qua mặt khối 27 nước Liên minh Châu Âu (EU) để trở thành nơi nhập khẩu lớn thứ hai từ Mỹ Latinh. Mặc dù còn phải mất nhiều thời gian Trung Quốc mới có thể thay thế Mỹ để thành đối tác thương mại lớn nhất của khu vực, nhưng với những gì Trung Quốc đang thể hiện thì đó không phải là một hy vọng viển vông. Vì thế, trong những năm tới, Mỹ Latinh được dự báo sẽ thành "bàn đạp ngoài lãnh thổ" của Trung Quốc; cho phép nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng xuất khẩu không những vào Mỹ Latinh mà còn sang các thị trường mà Mỹ và Châu Âu từng thống trị.

 

Chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Mỹ Latinh làm dấy lên nghi ngờ Trung Quốc đang cố tìm kiếm ảnh hưởng ngay tại không gian Mỹ trong khu vực như một đối sách với chiến lược trở lại Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Dù câu trả lời có là gì đi nữa thì chuyến công du đang diễn ra của Chủ tịch Tập Cận Bình đủ cho thấy chính sách ngoại giao mới của Trung Quốc được thúc đẩy mạnh mẽ và cái bắt tay giữa hai siêu cường sau chặng dừng Caribe vẫn là một lựa chọn ưu tiên từ Bắc Kinh.