Giữa những khó khăn chồng chất liên quan vấn đề tài chính, Liên hiệp châu Âu (EU) đang nỗ lực tiến công các "thiên đường thuế", nhằm thu hồi các khoản tiền thất thoát khổng lồ cho ngân sách nhà nước. Sau thành công bước đầu trong việc đạt nhất trí về cơ chế bảo mật ngân hàng, cuộc chiến chống gian lận thuế của EU được đánh giá còn nhiều chông gai, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên.
Kết thúc Hội nghị cấp cao EU ở Thủ đô Brúc-xen (Bỉ), các nhà lãnh đạo EU đã đạt đồng thuận về cơ chế tự động trao đổi thông tin ngân hàng giữa các thành viên trong khối đối với các khoản tiết kiệm cá nhân và nhất trí tìm cách thuyết phục các nước thông qua chính sách này trước cuối năm nay. EU cũng đang đẩy nhanh tiến trình các cuộc đàm phán với Thụy Sĩ và bốn "thiên đường thuế" khác (gồm Lít-ten-xtên, Mô-na-cô, An-đô-ra và Xan Ma-ri-nô), về vấn đề đánh thuế tiền gửi tiết kiệm và các kế hoạch thuế kinh doanh. Liên quan vấn đề gian lận thuế giá trị gia tăng, khối này hy vọng, cuối tháng 6 tới, các bộ trưởng EU sẽ tán thành một loạt biện pháp đối phó nhanh, giúp chính phủ các nước trấn áp nạn trốn thuế.
Giới quan sát nhận định, kết quả trên phát đi tín hiệu tích cực trong nỗ lực thúc đẩy quá trình minh bạch hóa hệ thống ngân hàng. Chủ tịch Hội đồng châu Âu H.Rôm-pơi đánh giá, hội nghị đã đạt bước đột phá, thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo trên mặt trận chống gian lận thuế. Theo ông Rôm-pơi, tình trạng trốn thuế đang ngày càng phổ biến, gây tổn thất lên tới một nghìn tỷ ơ-rô/năm cho EU. Con số này tương đương tổng sản lượng kinh tế hằng năm của Tây Ban Nha, gấp đôi số tiền thâm hụt ngân sách của các nước thành viên "ngôi nhà chung" trong năm 2012 và hơn sáu lần ngân sách hằng năm của EU.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, mục tiêu tìm ra tiếng nói chung giữa tất cả các nước trong vấn đề cho phép tự động trao đổi thông tin ngân hàng không hề dễ dàng. Hiện nay, Lúc-xăm-bua và Áo đã bày tỏ thái độ mềm dẻo hơn, khi chấp nhận sẽ đàm phán song phương với Thụy Sĩ và các bên thứ ba nhằm xóa bỏ cơ chế bảo mật ngân hàng. Trong khi, Thụy Sĩ vẫn một mực từ chối chia sẻ thông tin khách hàng, do lo ngại mất đi lợi thế cạnh tranh. Các nhà phân tích cho rằng, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ phải tốn không ít công sức để thương lượng với Thụy Sĩ và các nước có quy định nghiêm ngặt vấn đề giữ bí mật ngân hàng, nhưng áp dụng mức thuế thấp.
Một bài toán "gai góc" khác chưa tìm ra lời giải là vấn đề đánh thuế các công ty đa quốc gia đặt trụ sở tại một số nước có chế độ thuế "mềm dẻo". Thời gian gần đây, nhiều "gã khổng lồ" như Amazon, Google, Starbucks và Apple liên tiếp bị cáo buộc trốn thuế lên tới hàng tỷ USD, bằng cách tận dụng các "thiên đường thuế" tại châu Âu. Trước thực trạng này, Nghị viện châu Âu đã ra nghị quyết thúc giục EU giảm một nửa số tiền tổn thất vì trốn thuế hằng năm vào năm 2020, thông qua việc lấp những lỗ hổng về luật và kêu gọi lập một "danh sách đen" những thiên đường trốn thuế. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU vẫn chưa đưa ra được danh sách này, cũng như các biện pháp trừng phạt cá nhân và tổ chức có hành vi gian lận. Từ tháng 6 này, EU mới tiến hành tham khảo ý kiến về việc áp dụng các quy tắc và chuẩn mực nghiêm ngặt ở quy mô toàn thế giới, nhằm buộc các doanh nghiệp trả thuế đúng với mức lợi nhuận thu được. Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội khối EU M.Ba-ni-ê mới đây cũng đề xuất đạo luật yêu cầu các công ty đa quốc gia công khai báo cáo lợi nhuận, hóa đơn thuế và trợ cấp chính phủ tại mọi chi nhánh kể từ năm 2015, nhằm ngăn các công ty này trốn thuế. Thủ tướng Anh Ð.Ca-mơ-rôn lên tiếng ủng hộ thảo luận chủ đề này tại Hội nghị cấp cao G8, diễn ra vào tháng 6 này tại Bắc Ai-len.
Câu chuyện chống trốn thuế không phải mới được nhắc đến ở châu Âu. Năm 2005, EC đã thông qua luật buộc các nước thành viên tự động trao đổi thông tin về các khoản tiền gửi của công dân "ngôi nhà chung" tại các nước EU. Tám năm qua, EC đã cố gắng hoàn thiện luật chống gian lận thuế, nhưng vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi. Giới quan sát nhận định, chìa khóa thành công của cuộc chiến này chính là sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên EU.