Trong hai ngày 7 và 8-6, tại Sunnyland, TP Palm Springs, bang California (Mỹ) đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh không chính thức giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Giới chuyên gia đang bàn thảo, liệu sự kiện này có thể tạo ra bước đột phá như chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Richard Nixonnăm 1972 hay không.
Đồng vị thế cường quốc
Cho đến nay, Mỹ - Trung đã là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP của hai quốc gia đã chiếm 30% GDP toàn cầu, kim ngạch thương mại song phương cũng đã vượt 500 tỷ USD (2013). Trung Quốc hiện là nước chủ nợ lớn nhất của Mỹ (1.170 tỷ USD), nên bất kỳ sự biến động nào về tài chính - kinh tế của mỗi bên cũng sẽ tác động lớn đến nhau và có tính toàn cầu.
Với vai trò là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Mỹ và Trung Quốc đều có trách nhiệm lớn. Theo các nhà phân tích, dù xem xét dưới bất kỳ góc độ nào, quan hệ Mỹ - Trung cũng đã vượt xa phạm trù hai nước và mang ý nghĩa quốc tế rộng lớn, khiến hai nước đã “cộng đồng vận mệnh và cộng hưởng lợi ích”, dù muốn hay không cũng khó có thế tách rời nhau.
Với những tiềm năng phát triển, sự tương xứng về sức mạnh và lợi ích như vậy, quan hệ Mỹ - Trung được giới nghiên cứu dự báo cho là sẽ góp phần định hình trật tự thế giới trong thế kỷ 21. Vì thế, các nhà lãnh đạo hai nước đang hướng tới mối “quan hệ nước lớn kiểu mới” với sự gắn kết và tùy thuộc lẫn nhau trên cả các lĩnh vực: kinh tế, an ninh và chiến lược.
Vì thế, dư luận cho rằng, cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh hai nước tuy còn nhiều tồn tại và bất đồng nhưng cũng là cơ hội để phản ánh tầm nhìn chiến lược của cả hai cường quốc trên cơ sở lợi ích và trách nhiệm đối với cả thế giới.
Quan hệ nước lớn kiểu mới
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đang ở giai đoạn đặc biệt khi Mỹ là cường quốc nhưng đang cần thay đổi để thoát khỏi sự bế tắc về kinh tế, xã hội, còn Trung Quốc là cường quốc đang lên nhưng lại muốn duy trì trật tự quốc tế như đã và đang có.
Tuy nhiên, trong xu hướng toàn cầu hóa kinh tế và đa cực hóa thế giới, quan hệ ổn định giữa các nước lớn có thể sẽ là tiền đề đảm bảo hệ thống quan hệ quốc tế không bị đảo lộn, là điều kiện cần thiết cho việc duy trì ổn định và phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời giải quyết các “điểm nóng” và giữ vững an ninh toàn cầu.
Vì thế, hai cường quốc dẫn đầu các nước phát triển và mới nổi hiện đang đứng trước cơ hội rất lớn để xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới” theo hướng giữ vững ổn định quan hệ song phương từ tầm cao chiến lược và bảo đảm chiều sâu lợi ích hai bên, trên cơ sở tôn trọng lợi ích của các nước khác trên thế giới.
Những thách thức khó vượt
Chiến lược xoay trục an ninh “tăng cường trở lại châu Á - Thái Bình Dương” của Mỹ, đã và đang được triển khai trong thời gian qua, khiến cho Trung Quốc quan ngại; còn sự nổi lên của Trung Quốc có thể làm thay đổi cơ cấu sức mạnh toàn cầu khiến Mỹ không thể an tâm. Việc chính quyền của Tổng thống Obama đẩy mạnh triển khai trọng tâm chiến lược từ Tây sang Đông theo tỷ lệ sức mạnh quân sự 40/60 đã làm cho quan hệ Mỹ - Trung xảy ra không ít căng thẳng.
Bắc Kinh đòi hỏi Washington phải xem xét lại toàn diện chiến lược “trục xoay”, đồng thời tìm cách tăng cường hoạt động và gây ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương để cảnh báo và hạn chế quyền lực của Mỹ, ngay cả với các đồng minh của Mỹ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines… nhằm phân tán nguồn lực của Mỹ trong bối cảnh Mỹ đang gặp nhiều khó khăn, nhất là ngân sách bị cắt giảm.
Vấn đề Afghanistan, hai nhà lãnh đạo chắc cũng phải làm rõ lực lượng nào của Mỹ sẽ ở lại Afghanistan sau năm 2014 và nếu Mỹ chấp nhận để Taliban tham gia hệ thống quyền lực ở quốc gia Nam Á này, điều đó có thể ảnh hưởng như thế nào đến an ninh vùng Tân Cương của Trung Quốc.
Những động thái kiềm chế lẫn nhau của hai cường quốc Mỹ - Trung đã tác động không nhỏ đến xu hướng chạy đua vũ trang trong khu vực: Nhật Bản đẩy mạnh xây dựng quân đội, Hàn Quốc và Triều Tiên thúc đẩy phát triển tên lửa, hạt nhân, Ấn Độ tăng cường hiện đại hóa quân đội, Philippines, Australia ra sức củng cố liên minh quân sự với Mỹ.
Và tìm kiếm tương lai
Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung đã thảo luận thẳng thắn về các vấn đề gay cấn như: an ninh mạng, cân bằng thường mại, tỷ giá đồng NDT, an toàn hàng hải ở Biển Đông và Hoa Đông, vấn đề hạt nhân Triều Tiên và “niềm tin chiến lược” trong quan hệ hai nước.
Vấn đề tầm cao chiến lược cũng được hai nhà lãnh đạo thảo luận thẳng thắn hơn, nhất là về nội hàm chiến lược phát triển của mỗi nước, qua đó có thể cùng nhau tìm ra những nét tương đồng trong quá trình hợp tác.
Đối với ông Tập Cận Bình, đây là cơ hội để thể hiện hình ảnh của một nhà lãnh đạo mới ở Trung Quốc đầy quyền lực và tự tin trong quan hệ bình đẳng với Mỹ, trong bối cảnh Bắc Kinh đang triển khai chiến lược ngoại giao “toàn phương vị” với tất cả các nước khu vực và trên thế giới.
Còn ông Obama cũng có cơ hội hiểu biết thêm nhà lãnh đạo Trung Quốc trong thời gian đồng nhiệm và có đối sách phù hợp nhằm trấn an các đồng minh chiến lược và các đối tác ở châu Á-Thái Bình Dương về quan hệ Mỹ - Trung trong tương lai có thể dự báo được, ít nhất là trong vài thập kỷ tới.
Như vậy, trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barak Obama trong bối cảnh hiện nay là bước đi tiếp tục nhằm gạt bỏ bất đồng, tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin để củng cố quan hệ “vừa là đối tác, vừa là đối thủ” giữa hai cường quốc Mỹ - Trung. Tuy nhiên, dư luận cho rằng khó có thể tạo bước đột phá lớn trong quan hệ giữa hai cường quốc thế giới này.