Vùng đông - bắc Thái-lan đang trở thành những công trường xây dựng nhộn nhịp, với những siêu thị, nhà máy, công trình mọc lên "như nấm".
Sự đầu tư mạnh mẽ của chính phủ và người dân Thái-lan đang biến những vùng đất giàu tiềm năng như U-đon Tha-ni, Khỏn Kèn, U-bon Rát-cha-tha-ni... trở thành "vùng đất hứa" trong tương lai.
Cùng với những cánh đồng lúa trải dài tít tắp, sự hiện diện của những siêu thị, nhà máy mới đang làm cho U-đon Tha-ni trở thành mảnh đất giàu tiềm năng của Thái-lan, một trong những thị trường đang nổi hàng đầu của khu vực châu Á. Tăng trưởng của khu vực đông - bắc đang hứa hẹn bùng nổ, giúp thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai Hiệp hội các quốc gia Ðông - Nam Á (ASEAN).
Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước năm 2011 tới nay, Chính phủ của Thủ tướng Dinh-lắc Xin-na-vắt thực hiện bốn nhiệm vụ ưu tiên, là đem lại hòa giải dân tộc, hài hòa và thống nhất xã hội; thúc đẩy phát triển kinh tế công bằng và bền vững; đẩy mạnh thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài, chia đều lợi ích tăng trưởng đến với mọi người dân. Chính sách đó được hiện thực hóa bằng việc tăng lương và trợ giá cho nông dân tại khu vực của những tầng lớp nghèo và đông dân (Isaan) nhất đất nước. Sự nổi lên của tầng lớp trung lưu được các công ty và các nhà đầu tư hồ hởi đón nhận. Nhiều hãng đầu tư tên tuổi đánh giá, chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ Thái-lan đã đến với vùng đông - bắc nước này. Trong giai đoạn 2007-2011, tăng trưởng kinh tế của khu vực đông - bắc đạt 40%, so mức 23% của cả nước và 17% của Thủ đô Băng-cốc; thu nhập hộ gia đình tăng 40%, là mức tăng cao nhất của Thái-lan. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, giới đầu tư và doanh nghiệp nhận định, xu hướng này còn tiếp tục được duy trì. Ngân hàng Thái-lan cho biết, tổng số tiền đầu tư trong các dự án đầu tư tư nhân vào vùng đông - bắc Thái-lan đạt hơn 2,3 tỷ USD trong năm 2012, tăng 49% so năm 2011, trong đó tập trung lĩnh vực bất động sản. Chuyên gia hàng đầu về tài chính của Công ty Central Pattana N.Chây-clin nói rằng, đông - bắc là khu vực đông dân của Thái-lan, chiếm một phần ba trong số 68 triệu dân cả nước, do đó có mức thu nhập lớn. Tháng 4 vừa qua, công ty này mở một trung tâm mua sắm thứ ba tại khu vực, trị giá gần 90 triệu USD tại U-bon Rát-cha-tha-ni, giáp biên giới nước Lào. Tình hình chính trị tương đối ổn định trong hai năm qua đã khiến các nhà đầu tư yên tâm "đổ vốn" vào khu vực đông - bắc. Công ty bất động sản Sansiri đang triển khai hai dự án nhà ở trị giá 127 triệu USD ở Khỏn Kèn và có kế hoạch xây thêm dự án thứ ba trị giá 35 triệu USD trong năm 2014. Lãnh đạo công ty này nhận định, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng tại vùng đông - bắc Thái-lan là rất lớn. Sansiri muốn "đi trước đón đầu" nhu cầu phát triển của vùng đông - bắc trong nay mai, nhất là khi hệ thống đường sắt cao tốc được xây dựng kết nối giao thông thuận tiện với các khu vực khác của đất nước. Hàng loạt công ty, tập đoàn lớn của Thái-lan cũng như các công ty liên danh với nước ngoài, như CP All, Công ty Bia Thái, Công ty xi-măng Xiêm, Tập đoàn Panasonic, Tập đoàn lương thực Kraft... đang hướng về vùng đông - bắc Thái-lan.
Vừa qua, Chính phủ Thái-lan tăng mức lương tối thiểu trên toàn quốc lên mười USD/người/ngày. Tại một số tỉnh Isaan, mức lương được tăng 35%. Niềm vui đó đã kéo rất nhiều công nhân làm ăn ở các vùng khác trở về vùng quê hương đông - bắc của họ. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ hộ nghèo của Thái-lan từ mức 58% dân số năm 1990 đã giảm xuống 13% dân số trong năm 2011. Tuy nhiên, mức chênh lệch giữa các vùng miền là rất lớn, thậm chí tại một số vùng Isaan thấp hơn Băng-cốc tới tám lần. Ðể thực hiện bình đẳng trong thu nhập, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo ngày càng nới rộng trong một nền kinh tế mới nổi quả là một bài toán khó, đòi hỏi rất nhiều thời gian và nỗ lực của Chính phủ và mọi tầng lớp trong xã hội. Dưới sự điều hành của Thủ tướng Dinh-lắc, Chính phủ Thái-lan đang từng bước biến những cam kết thành hiện thực. Chính phủ đã hỗ trợ hàng loạt sản phẩm nông nghiệp, như gạo, bột sắn, cao-su. Thị trưởng U-đon Tha-ni I.Tri-oa-ta-na-xu-oan nhận xét, chính phủ đương nhiệm đã đầu tư số tiền vào khu vực Isaan nhiều hơn bất kể chính phủ tiền nhiệm khác ở Thái-lan, "đánh thức" một vùng đất giàu tiềm năng. Cuộc sống của người dân nơi đây đang thay da đổi thịt từng ngày. Giáo dục được cải thiện, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng.
Tương lai không xa, các Isaan cũng được hưởng lợi khi các nhà máy và các trung tâm phân phối của khu vực ASEAN sẽ được xây dựng tại đây khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành vào năm 2015 theo kế hoạch. Theo dự án Hành lang kinh tế Ðông - Tây, các nước ASEAN sẽ xây dựng một tuyến đường phục vụ giao thương của khu vực, trải dài từ cảng Ðà Nẵng của Việt Nam chạy qua các nước Lào, Thái-lan và Mi-an-ma với biển An-đa-man. Tuyến giao thông huyết mạch này sẽ cắt qua vùng đông - bắc của Thái-lan, với trung tâm thương mại là Khỏn Kèn. Với dự án này, Thái-lan kỳ vọng sẽ trở thành cửa ngõ của ASEAN tới Trung Quốc qua đường bộ và qua đường sắt nối với Lào, từ đó sẽ thay đổi diện mạo phát triển của vùng đông - bắc đất nước.