Ngược thời gian vào thời điểm năm 2011, trong cuộc cách mạng Mùa xuân Ả rập, chế độ của cựu Tổng thống Mubarak sụp đổ, Ai Cập hân hoan chào đón một thời đại mới: Kỷ nguyên dân chủ, tự do. Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đã đưa ông Mohamed Morsi lên nắm quyền Tổng thống, ông đã nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của hàng triệu người. Thể chế cai trị độc tài cũ đã chấm dứt, người dân kỳ vọng về một tương lai sán lạn.
“Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, cơn bão táp cách mạng mà người ta gọi một cách mỹ miều là Mùa xuân Ả rập đã không nảy lộc, đơm hoa, đậu quả ở đất nước Ai Cập như người dân đã từng vọng tưởng. Quê hương của kim tự tháp lại rơi vào vòng bạo lực, một quy luật hiển nhiên là khi mâu thuẫn đến đỉnh điểm tất yếu sẽ dẫn đến chính biến. Nguyên nhân là dưới sự lãnh đạo của ông Morsi và chính phủ của ông đã không làm thay đổi được thực trạng đất nước. Ai Cập lại rơi vào khủng hoảng toàn diện: chính trị bế tắc, mâu thuẫn tôn giáo, kinh tế trì trệ không lối thoát, thiếu việc làm, hàng hoá dịch vụ thiết yếu không đủ, bất bình đẳng, đời sống nhân dân gặp muôn vàn khó khăn, xã hôi rơi vào hỗn loạn, mâu thuẫn của các lực lượng đối kháng và một bộ phận nhân dân với chính quyền ngày càng sâu sắc.
Mọi giải pháp nhằm cứu vãn tình thế của ông Morsi rơi vào bất lực, những lời tuyên ngôn, lời hứa của ông khi đắc cử trở thành khẩu hiệu nói suông, do đó hầu hết dân chúng mất niềm tin. Trong bối cảnh đó các đảng phái đối lập tấn công Chính phủ từ mọi phía. Nhiều người trong năm 2011 đã từng bỏ lá phiếu ủng hộ ông và khi ông đắc cử đã hô vang chúc mừng ông trong ngày chiến thắng thì nay quay lưng lại với ông, đòi ông từ chức. Ai Cập rơi vào thảm trạng mâu thuẫn gay gắt từ cuối năm 2012, khi ông Morsi tiến hành sửa đổi Hiến pháp. Phe đối lập cho rằng việc làm đó vì động cơ nhằm mục đích hợp thức hoá luật pháp, nâng cao quyền lực của Tổng thống để thâu tóm mọi quyền hành. Ông Morsi còn bị tố cáo là đã can thiệp sâu vào tư pháp (theo hiến pháp Ai Cập, tư pháp độc lập với tổng thống).
Hơn một năm trước, tại Thủ đô Cairo, hàng triệu người đã tổ chức cắm trại, đốt pháo, hò hét qua đêm để chúc mừng ông Morsi đắc cử Tổng thống, màn kịch đó lại tái diễn nhưng bản chất thì trái ngược lại, hàng triệu người tụ tập hò hét đòi ông từ chức. Các cuộc biểu tình bạo động đã dẫn đến bạo lực làm cho khoảng 20 người thiệt mạng. Phe đối lập và những người biểu tình kêu gọi quân đội đảo chính lật đổ Chính quyền của ông Morsi, đưa quân đội lên nắm quyền lực (tạm thời). Kết cục là ông Morsi bị quân đội bắt giữ, chấm dứt sự nghiệp chính trị ngắn ngủi hơn một năm ngồi chiếc ghế nguyên thủ quốc gia điều hành đất nước. Ông Morsi bị hạ bệ một cách chóng vánh làm cho dư luận thế giới không khỏi ngạc nhiên.
Đảng của những người anh em Hồi giáo (của ông Morsi) sau chính biến Mùa xuân Ả rập họ là linh hồn là điểm tựa niềm tin cho đại bộ phận nhân dân Ai Cập thì tại thời điểm này phe đối lập lại muốn loại họ ra khỏi bàn cờ thế sự. Sau cuộc đảo chính, hầu hết các thành viên là cộng sự thân tín của ông Morsi đã bị truy nã và bị cấm xuất cảnh.
Những người thân cận với phe Đảng những người anh em Hồi giáo cho rằng cuộc đảo chính là hành động vi phạm pháp luật vì ông Morsi là Tổng thống hợp hiến, hợp pháp, ông là vị Tổng thống đầu tiên ở Ai Cập được bầu cử một cách dân chủ, công khai, minh bạch. Vì thế muốn thay đổi Tổng thống (ông Morsi) thì phải thực hiện theo trình tự dân chủ nghĩa là thông qua việc bầu cử lại, chừng nào ông không đủ tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao thì mới phải rời ghế tổng thống, số phận chính trị của ông phải do lá phiếu của cử tri định đoạt. Phía quân đội cho rằng họ đảo chính phế truất ông Morsi là thực hiện nghĩa vụ, bổn phận của quân đội với quốc gia, dân tộc, thực hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Theo Hiến pháp Ai Cập quy định thì quân đội nằm ngoài chính trị. Sau khi lật đổ ông Morsi, thủ lĩnh quân đội đã tuyên bố đình chỉ Hiến pháp hiện hành và tiến hành lộ trình chuyển đổi chính trị mới, chuẩn bị các bước cho bầu cử lập ra chính phủ mới. Lãnh đạo quân đội đã chỉ định ông Mansour - người đứng đầu Toà án Hiến pháp tối cao giữ chức vụ Tổng thống lâm thời để điều hành đất nước trong giai đoạn chuyển giao quyền lực cho đến khi Ai Cập có tổng thống mới.
Trên thế giới, các cuộc lật đổ nguyên thủ quốc gia dù bất kỳ lý do nào mà sử dụng bạo lực hoặc dùng sức ép quân sự đều không được quốc tế coi là hợp pháp. Ai Cập vừa mới manh nha có một chế độ dân chủ, nhưng người đứng đầu vừa bị tước đoạt chức vụ bằng hành động phi dân chủ. Cuộc đảo chính ở Ai Cập đã làm cho dư luận thế giới tỏ ra rất lo ngại, đồng thời đó là một sự cảnh báo về những khó khăn bất ổn đang chờ đợi bất cứ chính trị gia nào sẽ trở thành tổng thống sắp tới cho dù là được bầu một cách công khai dân chủ nhưng cũng có thể bị truất quyền bất cứ lúc nào khi không giải quyết được các mâu thuẫn chính trị, tôn giáo, không dung hoà được quyền lợi các đảng phái và đặc biệt là không vực dậy được nền kinh tế đang trì trệ, nghèo đói, bất công bằng, bất ổn xã hội đang gia tăng…