Chiến tranh Triều Tiên: Âm hưởng sau 60 năm

07:36, 31/07/2013

Trong lịch sử loài người, bất kể cuộc chiến tranh nào, dù lớn hay nhỏ, cũng để lại những di chứng bởi những mất mát. Nhưng rồi, thời gian cũng làm dịu dần mọi cơn đau từ những vết thương. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953) dường như không đi theo quy luật đó.

60 năm trôi qua kể từ ngày Hiệp ước đình chiến được ký kết (27/7/1953 tại Bàn Môn Điếm), cứ mỗi năm, người dân ở cả hai miền Bắc, Nam Triều Tiên đều tổ chức kỷ niệm ngày cuộc chiến kết thúc với một thông điệp như nhau: Đừng bao giờ để cho một cuộc chiến tương tự lặp lại.

 

Cũng ngần ấy thời gian, dân tộc Triều Tiên vẫn đang phải sống trong tình trạng “không có chiến tranh nhưng cũng chẳng có hòa bình”. Mấy tháng đầu năm 2013, tình trạng căng thẳng đến tột cùng trên bán đảo Triều Tiên khiến không ít người đã nghĩ đến một kịch bản 60 năm trước. Lý do có nhiều, nhưng một trong số đó có lẽ chính bởi âm hưởng vẫn còn quá mạnh của cuộc chiến tranh.

 

Không cần phải nhắc lại vì sao dân tộc Triều Tiên bị chia cắt, vì sao hai nhà nước Triều Tiên ra đời cuối năm 1948. Chỉ chắc chắn một điều, chính nỗi đau chia cắt đã làm bùng lên khát vọng thống nhất trong mỗi người dân bán đảo Triều Tiên và đó cũng chính là khởi nguồn cho cuộc chiến tranh 1950-1953. Tình trạng kết thúc “nửa vời” sau ngày 27-7-1953 dường như lại càng tạo điều kiện cho khát vọng này có thêm sức sống.

 

Sau chiến tranh, các nhà lãnh đạo cả hai miền vẫn có không ít nỗ lực nhằm thống nhất, hoặc chí ít tạo ra sự kết dính giữa hai miền, thậm chí, kể cả khi hai nước Triều Tiên chính thức trở thành thành viên Liên Hợp Quốc (ngày 17/9/1991, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc gia nhập LHQ).

 

Điển hình là trong lĩnh vực thể thao, tuy chưa bao giờ thành lập được đội tuyển chung, nhưng đội tuyển hai miền đã tham gia diễu hành chung tại lễ khai mạc các kỳ Olympic 2000, 2004, 2008 và Á vận hội 2002 và 2006. Đã có thời điểm, tại cuộc gặp liên Triều năm 2000 và 2007, ước vọng đoàn tụ tưởng đã trong tay. Nhưng khát vọng thống nhất cũng chính là rào cản đối với sự hòa giải thật sự.

 

Thời gian và thời thế đổi thay khiến cách người dân hai miền Triều Tiên nhìn nhận về vấn đề thống nhất cũng có những biến chuyển. Sự khác biệt về trình độ phát triển giữa hai miền ngày một lớn đã làm nảy sinh tư tưởng “ai thống nhất ai”. Những nghi kỵ từ thời chiến tranh, vì thế lại có điều kiện trỗi dậy.

 

Quyết định của hội nghị Potsdam (8-1945, hội nghị tổng kết Thế chiến Thứ hai của các nước đồng minh thắng trận) vô hình chung tạo điều kiện cho sự can thiệp quốc tế vào bán đảo Triều Tiên.

 

Cuộc chiến 1950-1953 cũng như tình trạng đình chiến sau đó càng khiến tình hình hai miền luôn bị quốc tế hóa. Đứng trước nguy cơ mất an ninh thường trực, dĩ nhiên cả CHDCND Triều Tiên lẫn Hàn Quốc đều phải tìm chỗ dựa, trước hết là về mặt vật chất.

 

Hệ lụy tất yếu là trong một số tình huống, người dân hai miền không thể tự định đoạt được vận mạng của mình. Đối với bên ngoài, sự liên đới và ràng buộc bởi nhiều lý do địa chính trị, lâu dần đã khiến một số quốc gia coi những gì xảy ra trên bán đảo Triều Tiên như là mối quan tâm sát sườn đối với chính họ. Nghiễm nhiên trong quan hệ quốc tế tồn tại một hình dung về bán đảo Triều Tiên như một sự hội tụ các lợi ích chồng chéo của nhiều nước, trước hết là của các nước lớn.

 

Chính tính chất quốc tế hóa cao độ đã khiến cho tiến trình đàm phán 6 bên (bắt đầu từ năm 2003 và bị ngưng trệ từ cuối năm 2008 đến nay) luôn rơi vào bế tắc. Thậm chí, sự can thiệp quốc tế khiến thật khó phân biệt lý do căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên là từ bên ngoài hay chỉ đơn thuần là quan hệ hai miền. Thực tế cũng thật trớ trêu, cũng chính vì cả hai miền cùng gia nhập Liên Hợp Quốc nên buộc họ phải chấp nhận sự can thiệp ngày càng sâu hơn qua những phán quyết của tổ chức toàn cầu này.

 

Dư âm lớn nhất của cuộc chiến tranh 1950-1953 có lẽ đến từ chính tình trạng đình chiến. 60 năm qua, có thể nhiều người dân ở cả hai miền đã từng có những giờ phút “thả lỏng” với hòa bình hiện tại. Nhưng rồi chắc chắn họ lại phải quay trở về với một thực tế phũ phàng rằng, chiến tranh có thể ập đến bất cứ lúc nào bởi hiệp ước hòa bình chưa được ký kết. Cũng bởi chính nỗi lo âu này mà cả hai miền buộc phải luôn trong tư thế sẵn sàng, việc họ luôn phải đầu tư cho quân sự cũng là điều bắt buộc dễ hiểu.

 

Đỉnh điểm của sự đầu tư này chính là thời khắc CHDCND Triều Tiên tuyên bố có vũ khí hạt nhân (tháng 10/2/2005). Rõ ràng, sự xuất hiện vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên càng làm cho khả năng thiết lập hòa bình tại đây thêm muôn vàn khó khăn.

 

Trong bối cảnh đó, hiệp định hòa bình phải là điều kiện tiên quyết để có thể đem lại cuộc sống an bình cho dân tộc Triều Tiên. Song, hiện tại, để cuộc chiến tranh Triều Tiên thực sự đi vào quá khứ lại cần tới ít nhất hai hiệp ước hòa bình: một giữa hai miền và một giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ. Trong trường hợp đối với người Mỹ, điều kiện tiên quyết để ký hiệp ước hòa bình đối với họ lại là chính phủ Triều Tiên phải ngừng chương trình hạt nhân, và vì thế, trong suốt thời gian qua, cuộc tranh luận giữa Mỹ và Triều Tiên luôn rơi vào tình trạng “con gà hay quả trứng có trước”. Còn đối với hai miền, hiệp ước chỉ có thể được ký kết khi có thêm được sự đồng thuận của các đồng minh. Tóm lại, đây thực sự là công việc không hề đơn giản.

 

Như vậy, tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn tiếp diễn phần nhiều là do các bên vẫn bị cuộc chiến 1950/53 ám ảnh quá nặng.

 

Từ mong muốn hòa bình, thống nhất cho dân tộc Triều Tiên, đã đến lúc tất cả các bên liên quan cần phải thay đổi cách nhìn nhận thời cuộc nơi đây, bởi dù sao, cuộc chiến tranh thực sự đã trôi qua được 60 năm rồi.