Hoa Kỳ là cường quốc đứng đầu thế giới về kinh tế, quân sự và vị thế ảnh hưởng lớn nhất toàn cầu, Hoa Kỳ còn là một quốc gia đứng đầu thế giới về khoa học kỹ thuật, công nghệ.
Bấy lâu nay người ta vẫn thường lấy tiêu đề từ một bài báo của một nhà báo Mỹ (viết năm 1971) để định danh cho Trung tâm công nghệ bán dẫn và công nghệ vi mạch (chip) là Thung lũng Silicon. Trung tâm này là nơi hội tụ các nhà khoa học tài năng khắp thế giới và tập hợp khoảng 50 nghìn doanh nghiệp là đầu não “công viên khoa học” của những phát minh và ứng dụng công nghệ lớn nhất toàn cầu, thành tựu máy tính và sản phẩm công nghệ phần mềm là một cuộc cách mạng làm thay đổi cả thế giới.
Hoa Kỳ trong một thời gian dài gần như giữ vị trí độc tôn trong phát minh các sản phẩm máy tính, ứng dụng công nghệ và hạ tầng dịch vụ chuyển tải thông tin. Chúng ta biết rằng có một nửa số máy tính của toàn thế giới truy cập Internet, lượng tìm kiếm qua Googhe chiếm 2/3 tổng lượng tìm kiếm trên mạng, Facebook có khoảng 1 tỷ người dùng, các công ty, tập đoàn đó đều là của Hoa Kỳ.
Chưa biết thực hư ra sao nhưng dư luận thế giới cho rằng Mỹ đã sử dụng virus máy tính để tấn công mạng cơ sở hạt nhân của Iran, làm cho việc triển khai chương trình hạt nhân nước này liên tục bị trục trặc và chậm tiến độ. Vũ khí tấn công không gian mạng được coi là vũ khí phi truyền thống. Loại vũ khí có tính năng “tàng hình” trong môi trường ảo, có khả năng tấn công đối phương một cách hết sức tinh vi, đối phương khó có thể có những biện pháp phòng ngừa tự vệ an toàn và chiến tranh mạng không ai lường được hậu quả. Ví dụ một quốc gia có thể xâm nhập hệ thống thông tin đối phương để đánh cắp các bí mật quân sự và có thể vô hiệu hoá thông tin chỉ huy, vô hiệu hoá, làm tê liệt cả “bộ não” của một quốc gia. Thậm chí người ta còn lo rằng rất có thể có một thế lực nào đó sử dụng loại vũ khí này để kích hoạt sự khởi động các loại vũ khí hạt nhân.
Các quốc gia được đánh giá là có trình độ công nghệ thông tin cao, có kỹ thuật máy tính và phần mềm để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền tải và thu thập thông tin và có khả năng thực hiện các cuộc chiến mạng đứng đầu là Mỹ, sau đó là các nước Nga, Trung Quốc, Pháp… Công nghệ thông tin đã đem lại cho nhân loại một bước tiến vượt bậc. Thành tựu khoa học kỹ thuật đó được ứng dụng phong phú vào hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Từ lâu Hoa Kỳ và một số quốc gia khác đã ứng dụng công nghệ thông tin, biến nó thành một công cụ tình báo do thám để tìm kiếm tài liệu, dữ liệu (của các nước), do thám qua mạng, tìm kiếm trên Iternet, hoặc qua hệ thống thư điện tử Email.
Việc phần lớn giao dịch điện tử qua hạ tầng kỹ thuật và thiết bị của Hoa Kỳ đã làm cho nhiều quốc gia phải đau đầu vì hoài nghi khả năng bảo mật thông tin và những nghi ngờ về gián điệp mạng bấy lâu nay đã thành sự thật hiện hữu. Vụ việc bỗng nhiên vỡ lở khi cựu điệp viên CIA là Snowden từ Hồng Kông đã tiết lộ bí mật các chương trình theo dõi của Cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA) với các hình thức cài đặt các thiết bị điện tử đánh cắp thông tin, nghe trộm điện thoại, xem trộm thư điện tử… tại 30 sứ quán các nước. Điều đáng nói Hoa Kỳ “chẳng nể mặt ai”, không có ngoại lệ nào, mục tiêu của “gián điệp điện tử” tấn công vào rất nhiều nước trong đó có cả các nước đồng minh truyền thống gắn bó mật thiết quyền lợi với Hoa Kỳ như Nhật Bản, Đức, Pháp, Italia… dĩ nhiên là mục tiêu chính vẫn chủ yếu là hướng vào tấn công thu thập thông tin các nước Nga, Trung Quốc và các quốc gia muốn ly khai khỏi ảnh hưởng của Mỹ.
Cựu sĩ quan tình báo Snowden đã nói rằng Mỹ đã ăn cắp thông tin 61 nghìn vụ hầu khắp các châu lục đó là châu Á, châu Âu, các nước châu Mỹ như Mexico, Brazin… Cựu điệp viên CIA chắn chắn đã làm cho cả thế giới nhìn nước Mỹ với một định kiến thiếu thiện chí, và người Mỹ sẽ không thể thanh minh việc làm của mình khi cài đặt các thiết bị nghe lén, nghe trộm các nước đồng minh.
Có rất nhiều quan điểm khi đánh giá hành động của cựu điệp viên CIA, phía Mỹ buộc tội phản bội tổ quốc, nhiều nước cho rằng đó là hành động anh hùng vì đã vạch trần được sự thật những vụ ăn cắp thông tin của Mỹ, một hành động mà bất cứ quốc gia nào bị tổn hại cũng muốn Mỹ phải giải thích mục đích, động cơ của việc làm này (cho dù giải thích bí mật hay công khai). Về mặt ngoại giao chắc chắn Hoa Kỳ đã vấp phải rào cản từ Nga và Trung Quốc với tư cách là hai cường quốc, bởi hai nước này đều không trao trả Snowden để Mỹ dẫn độ từ lãnh thổ của các nước này về Mỹ. Đã vậy phía Nga còn tỏ ý có thể cho ông ta ở lại Nga (với điều kiện là cựu điệp viên này ngừng các hoạt động cung cấp thông tin về hoạt động gián điệp điện tử của Mỹ). Tổng thống Nga Putin còn lên tiếng tố cáo là Mỹ đã doạ dẫm, ngăn cản, chặn đường các nước mà cựu điệp viên ngỏ ý muốn tỵ nạn.
Snowden đã đề nghị được tỵ nạn đến trên 20 quốc gia, nhưng đến thời điểm này mới có 3 quốc gia là Venezuela, Nicaragua, Bolivia là đồng ý cho tỵ nạn, một nguồn tin mới nhất đó là nước Ecuador đã đồng ý cấp giấy tỵ nạn tạm thời cho nhân vật này. Các nước mà cựu điệp viên muốn tỵ nạn đều thuộc Nam Mỹ, các quốc gia này vốn có tư tưởng ly khai, bài trừ mô hình chủ nghĩa tự do kiểu Mỹ, do lãnh tụ đảng cánh tả lãnh đạo (cánh tả theo thiên hướng mục tiêu dân sinh, công bằng xã hội). Phía Nga cũng đã chấp nhận việc xin tỵ nạn tạm thời của Snowden ở lại Nga trong một thời gian nhất định.
Snowden đã bị chính quyền Mỹ thu hồi hộ chiếu. Như vậy tại thời điểm đến ngày 17/6 ông vẫn phải mắc kẹt lưu lại Nga do vướng các thủ tục thông hành bắt buộc cho một người xuất cảnh vì không có hộ chiếu và không có giấy tờ tỵ nạn. Dù dư luận đánh giá hành động của cựu điệp viên CIA ở nhiều góc độ khác nhau, nhưng ông vẫn là một nhân vật nổi tiếng vì đã dám công khai tố cáo những hành vi ăn cắp bí mật của các quốc gia khác thông qua hệ thống “gián điệp điện tử” - một cuộc chiến phi truyền thống.