Cuộc chính biến ở Ai Cập đã trải qua năm ngày, tình hình diễn biến vẫn ngày càng phức tạp. Để dự báo tương lai và những tác động của Ai Cập đến tình hình khu vực, dư luận không thể không quan tâm đến “những điều ẩn sâu sau chính biến ở Ai Cập”.
Hiện hai phe biểu tình đối kháng diễn ra quyết liệt, đã có những xô xát dẫn đến đổ máu. Dư luận lo ngại về một sự phản kháng quyết liệt của Tổ chức anh em Hồi giáo và những người ủng hộ ông Morsi trước những hành động mà họ coi là một cuộc đảo chính của lực lượng quân đội.
Ưu tiên “đầu tư” của Mỹ
Dưới chính thể của Tổng thống Sadat (1970-1981), Mỹ đã đầu tư vào Ai Cập hàng tỷ USD, con số tăng dần từ 1,5 triệu USD hồi năm 1972, đến 370 triệu USD vào năm 1975 và 2,6 tỷ USD vào năm 1979. Từ năm 1980 đến nay, hằng năm, Washington luôn duy trì mức viện trợ từ 1,5 đến hai tỷ USD cho Cairo.
Tuy nhiên, đầu tư của Mỹ không phải là vào các mục tiêu kinh tế mà chủ yếu là vào quân đội, nhất là từ khi ông Hosni Mubarak trở thành Tổng thống (1981). Mức viện trợ quân sự của Mỹ cho Ai Cập tăng nhanh từ con số 0 trước năm 1982 lên 465 triệu USD vào năm 1983 - 1984. Và tăng vọt vào năm 1985, với mức hơn một tỷ USD mỗi năm và dần ổn định ở mức 1,3 đến 1,5 tỷ USD hằng năm cho đến nay.
Trong năm tài chính 2014, ông Obama đã yêu cầu viện trợ cho Ai Cập 1,55 tỷ USD, trong đó có 1,3 tỷ USD là viện trợ quân sự. Trong một tuyên bố đưa ra ngày 2-7, ông Obama kêu gọi lực lượng quân đội Ai Cập hành động nhanh chóng trả lại quyền cho một chính phủ dân sự được bầu lên một cách dân chủ. Ông cũng nói rằng ông đã chỉ thị cho “các bộ và các ngành” trong chính phủ liên bang đánh giá lại những tác động theo luật pháp Mỹ về những sự trợ giúp của Mỹ đối với chính phủ Ai Cập”.
Tờ USA Today cho rằng, cả hai lực lượng, ủng hộ và phản đối cựu Tổng thống Morsi, đều nghi ngờ Mỹ đã gây ra bất ổn, cản trở quá trình tự quyết của người dân Ai Cập, nhất là khi quân đội dường như đóng vai trò quyết định trong những biến cố vừa qua tại Ai Cập.
Vì thế, giới quan sát giải thích vì sao trong phản ứng của mình Tổng thống Obama chỉ bày tỏ quan ngại về việc quân đội phế truất ông Morsi nhưng không hề dùng từ “đảo chính”. Điều đó nói lên sự ưu ái và mối quan hệ khăng khít của Mỹ từ lâu nay đối với giới quân nhân Ai Cập.
Thất hứa của Tổng thống dân cử
Dư luận còn nhớ, cương lĩnh tranh cử và tuyên thệ nhậm chức ông Morsi đều khẳng định ông là Tổng thống của tất cả mọi người dân Ai Cập chứ không phải chỉ của chính đảng Anh em Hồi giáo, vì thế ông đã trở thành Tổng thống đầu tiên của Ai Cập kể từ ngày 30-6-2012 nhờ sự ủng hộ của đông đảo người dân thông qua bầu cử dân chủ.
Tuy nhiên, sau một năm lãnh đạo đất nước, ông Morsi và tổ chức Anh em Hồi giáo đã không tạo ra tiến bộ nào cho thời kỳ hậu “cách mạng”. Phe đối lập tố cáo Tổng thống Morsi đang cố gắng bảo vệ quyền lợi riêng của mình và nỗ lực thi hành chế độ cai trị theo kiểu Hồi giáo.
Theo giới phân tích, di sản chính trị nổi bật mà ông Morsi để lại trong một năm qua là một nền kinh tế lao dốc, chính trị bế tắc, an ninh bất ổn, và một bản Hiến pháp gây chia rẽ đất nước. Đời sống người dân dưới chính thể mới ngày càng khó khăn hơn bởi giá cả leo thang, tăng gấp đôi so với hồi cuối năm 2012, tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng tới mức đáng lo ngại (13,2%).
Và cũng kể từ tháng 11-2012, khi Tổng thống Morsi ban hành Tuyên bố Hiến pháp sửa đổi nhằm thâu tóm toàn bộ quyền tư pháp đã khiến dân tình Ai Cập bị phân hóa cao độ, gây làn sóng phản đối mạnh mẽ trong xã hội.
Theo Báo cáo của Trung tâm Phát triển Quốc tế (IDC), từ tháng 7-2012 đến tháng 6-2013 đã có tổng cộng 9.427 cuộc biểu tình lớn, nhỏ. Tính từ đầu năm nay bình quân mỗi tháng xảy ra 1.140 cuộc biểu tình.
Lợi ích khó dung hòa
Theo các chuyên gia phân tích, ẩn giấu sau cuộc khủng hoảng lần này là cuộc đấu tranh giữa các phe phái: hồi giáo, quân đội và thế tục, tự do, cánh tả, cơ đốc giáo…trong đó nổi lên ba phe phái chính là hồi giáo, thế tục (có sự ủng hộ của quân đội) và tự do cánh tả.
Tuy nhiên, theo diễn biến trên chính trường, cả chỉ huy quân đội Ai Cập và Tổng thống Morsi ngày 3-7 đều thề sẽ quyết liều mạng để thách đấu với nhau, trước khi tối hậu thư đòi ông từ chức hết hạn. Phe đối lập cho rằng Tổng thống đã tuyên bố bắt đầu nội chiến.
Trong bài phát biểu kéo dài 45 phút phát sóng trực tiếp trên truyền hình quốc gia hôm 2-7, ông Morsi tuyên bố sẵn sàng đánh đổi tính mạng để bảo vệ hiến pháp và sẽ không từ chức vì đã được bầu một cách hợp pháp. Tuy nhiên, thông điệp của ông không được phe đối lập đón nhận. Phe biểu tình cho biết có đến hơn 22 triệu người đã đâm đơn đề nghị Morsi rời bỏ quyền lực.
Điều quan trọng hơn, ngay từ hồi đầu năm nay, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã ca ngợi quân đội Ai Cập, ông nói: “Tôi nghĩ rằng quân đội là khoản đầu tư tốt nhất mà Mỹ đã thực hiện trong khu vực này suốt nhiều năm qua” và ông khẳng định: “Quân đội Ai Cập, thẳng thắn mà nói, là một người chơi có trách nhiệm rất cao trong tấn kịch này”. Vì thế, “cuộc chiến” phe phái khó có thể được dung hòa.
Kịch bản có thể diễn ra ?
Trong bối cảnh trên, các chuyên gia phân tích cho rằng, có thể có ba kịch bản sẽ diễn ra sau chính biến:
Một là, các phe phái nhân nhượng lẫn nhau chia sẻ quyền lực, sớm đưa ra lộ trình khôi phục hiến pháp và tổ chức bầu cử Tổng thống một lần nữa và tình hình dần đi vào ổn định.
Hai là, các phe phái giằng co nhau trong đàm phán phân chia quyền lực dẫn đến kéo dài thời gian quá độ do quân đội điều hành đất nước, tính phức tạp ngày càng gia tăng.
Ba là, các phe phái không nhượng bộ lẫn nhau, có sự phân hóa trong nội bộ lực lượng vũ trang, sự hỗ trợ trái chiều từ bên ngoài và nội chiến có thể xảy ra.
Như vậy, sau hơn một năm dưới chính thể được gọi là dân chủ, thành quả của của “Mùa xuân Ả Rập” đã không đưa lại sự tốt đẹp nào cho người dân thụ hưởng, ngoại từ những khó khăn và bất ổn ngày càng gia tăng.
Giới phân tích dự báo tình hình Ai cập sẽ diễn biến rất phức tạp. Các kịch bản nêu trên đều có thể xảy ra, tuy nhiên, kịch bản thứ hai hiện đang chiếm ưu thế, và kịch bản xấu nhất “nội chiến” cũng không thể loại trừ. Vì thế, tương lai Ai Cập sẽ đi về đâu, câu trả lời vẫn còn đang ở phía trước.