Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 29/7 đã thông qua việc giải ngân 1,72 tỷ euro (2,29 tỷ USD) cho Hy Lạp. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, quốc gia Nam Âu đang chìm trong khủng hoảng nợ công này đã nhận được khoảng 8,24 tỷ euro (10,94 tỷ USD) trong gói cứu trợ của "bộ ba" chủ nợ quốc tế gồm IMF, Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).
Trong một thông báo, Ban giám đốc IMF cho biết tổ chức này đã hoàn tất đợt xem xét lần thứ 4 việc Hy Lạp thực hiện các cam kết để có thể nhận khoản vay tín dụng tiếp theo, đồng thời sửa đổi một số tiêu chí đối với nước này như việc thực hiện chương trình tư nhân hóa, số dư nợ công, cân bằng chi tiêu của chính phủ...
Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Hy Lạp trong việc giảm mất cân bằng tài chính, nợ nước ngoài, cải cách thể chế và cơ cấu, song cũng nhấn mạnh rằng Athens còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là vấn đề nợ công.
Trước đó, 18 quốc gia thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng đã thông qua khoản giải ngân mới trị giá 4 tỷ euro cho Hy Lạp sau khi xác nhận nước này đã thực hiện đầy đủ các đòi hỏi mà "bộ ba" chủ nợ đưa ra.
Gói cứu trợ quốc tế đầu tiên dành cho Hy Lạp được thiết kế vào năm 2010 song đã bị thất bại. Ngay sau đó, các chủ nợ quốc tế đã thông qua gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp trị giá 130 tỷ euro cùng với việc xóa nợ khu vực tư nhân lên tới hơn 100 tỷ euro, đổi lại Athens phải thực hiện các chính sách tài chính khắc khổ như cắt giảm lương hưu, sa thải nhiều việc làm trong khu vực nhà nước...
Mặc dù đã nhận được hàng chục tỷ USD tiền cứu trợ, Hy Lạp vẫn chìm sâu trong cuộc suy thoái kéo dài suốt 6 năm qua. Theo thống kê của EU, tính đến hết quý I/2013, nợ công của Hy Lạp đã lên tới 160,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này, tăng so với mức 156,9% của quý trước và 136,5% của cùng kỳ năm ngoái.