Thời điểm hình thành Cộng đồng ASEAN (31-12-2015) đang đến gần. Các nước thành viên ASEAN đang nỗ lực thúc đẩy hoàn thành các lộ trình đã vạch ra để tiến tới mục tiêu ra đời Cộng đồng như đã định. Trong các nỗ lực đó, việc thúc đẩy Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC) đóng một vai trò quan trọng và có một ý nghĩa hết sức to lớn đến việc định hình Cộng đồng ASEAN nói chung.
Từ việc ra đời Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) năm 1994, đến ý tưởng xây dựng Cộng đồng An ninh ASEAN vào năm 2003 và quyết định của Hội nghị cấp cao ASEAN 2007 về việc xây dựng APSC như là một trong ba trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN là cả một bước tiến dài của các nước thành viên ASEAN trong nỗ lực đoàn kết với nhau, tăng cường sức mạnh của khu vực, đối phó các thách thức, đe dọa nhiều chiều đang nổi lên, vì lợi ích chung của tất cả các quốc gia thành viên trong Hiệp hội: đó là bảo đảm vững chắc hòa bình, an ninh, ổn định, hỗ trợ mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế, đóng góp cho thịnh vượng chung của khu vực.
Ðể tiến tới hình thành APSC, các nước thành viên đã xây dựng một Kế hoạch tổng thể, xác định 157 hoạt động hợp tác cụ thể, trong đó tập trung 14 lĩnh vực ưu tiên. Việc triển khai Kế hoạch tổng thể APSC được ASEAN nhất trí cao từ các nhà lãnh đạo ASEAN cho tới cấp Bộ trưởng, quan chức cao cấp (SOM) và cấp làm việc thông qua các cơ chế trong ASEAN như cấp cao ASEAN, Cộng đồng điều phối ASEAN (ACC), Cộng đồng APSC, Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) và nhiều cơ quan chuyên ngành khác nhau. Bên cạnh đó, ASEAN cũng tăng cường hợp tác với các nước đối thoại và đối tác của ASEAN tại các diễn đàn/cơ chế khu vực, như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), ASEAN+3 (giữa ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), Cấp cao Ðông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF)...
Những thành tựu nổi bật và vai trò chủ động, tích cực đối với hòa bình, an ninh khu vực
Sau 5 năm, đến nay việc triển khai Kế hoạch tổng thể thực hiện APSC đã đạt nhiều tiến triển và thành công như sau:
Thứ nhất, về hợp tác phát triển chính trị: ASEAN đã nỗ lực gắn kết, thúc đẩy hợp tác và tham vấn cũng như tăng cường hiểu biết giữa các nước, các cơ quan chuyên ngành ở cấp độ khu vực và quốc gia trong các lĩnh vực giáo dục, luật pháp, thông tin, văn hóa. Ðáng chú ý, ASEAN đã thành lập Ủy ban liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR), Viện Hòa bình hòa giải ASEAN (AIPR).
Thứ hai, về xây dựng và chia sẻ chuẩn mực chung: Hiến chương ASEAN được thông qua năm 2008 đã tạo ra các khuôn khổ thể chế và pháp lý của ASEAN hướng tới phối hợp hiệu quả hơn giữa các cơ quan trong ASEAN như ba Hội đồng Cộng đồng, Hội đồng Ðiều phối ASEAN (ACC), Ủy ban đại diện thường trực ASEAN (CPR). Ngoài ra, ASEAN cũng xây dựng các quy tắc chuẩn mực điều chỉnh hành xử ở khu vực thông qua các văn kiện pháp lý như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Ðông - Nam Á (TAC), Hiệp ước khu vực Ðông - Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC), Tuyên bố EAS về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi ở khu vực...
Thứ ba, các biện pháp phòng ngừa xung đột và xây dựng lòng tin cũng đã đạt nhiều tiến triển đáng ghi nhận thông qua việc xuất bản Tài liệu viễn cảnh an ninh ASEAN hằng năm, thúc đẩy cơ chế hợp tác quốc phòng như Hội nghị ADMM và ADMM+. Hội nghị ADMM + được tổ chức lần đầu năm 2010 khi nước ta đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên ASEAN.
Thứ tư, ASEAN đạt nhiều thành tựu quan trọng trong ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó có chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, buôn bán người... Ðáng chú ý, Công ước ASEAN về chống khủng bố có hiệu lực năm 2011 đã đề ra nhiều chương trình hành động, kế hoạch công tác cũng như các biện pháp hợp tác đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên hiện nay.
Thứ năm, ASEAN đã có những đóng góp quan trọng và thể hiện vai trò không thể thiếu đối với bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, trong đó có vấn đề về Biển Ðông. Trong những năm qua, ASEAN đã không ngừng nỗ lực về xây dựng lòng tin và bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Ðông, đáng chú ý là việc đạt được DOC năm 2002; Các quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC năm 2011; Tuyên bố Nguyên tắc sáu điểm của ASEAN về Biển Ðông năm 2012 và Tuyên bố cấp cao ASEAN-Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC năm 2012.
Trước tình hình Biển Ðông tiếp tục diễn biến phức tạp, các nước đều ủng hộ các nguyên tắc của ASEAN, đó là: bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước luật biển; thực hiện đầy đủ DOC và sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử (COC).
Yếu tố then chốt quyết định thành công của việc hình thành APSC là làm sao đóng góp tích cực và hiệu quả nhất cho việc bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh, phát triển ở khu vực. Theo đó, ASEAN cần phải duy trì và tăng cường đoàn kết, thể hiện được vai trò và tiếng nói chủ động của mình trên những vấn đề quan trọng của khu vực; thể hiện trách nhiệm và trở thành hạt nhân thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển bền vững khu vực.
Ðịnh hướng tương lai
Chỉ còn hai năm nữa là tới thời hạn hình thành APSC. Trong 157 hoạt động cụ thể đề ra, ASEAN đã thực hiện được 125 hoạt động, còn 32 hoạt động phải nỗ lực thúc đẩy tiếp. Số lượng này không nhiều, nhưng là những hoạt động khó, cần nhiều nguồn lực. Ðể hoàn thành mục tiêu, ASEAN cần phải nỗ lực hơn nữa, đề ra các chiến lược cụ thể, tập trung vào một số biện pháp sau:
Thứ nhất, cần bảo đảm việc triển khai hiệu quả các hiệp định/thỏa thuận của Kế hoạch tổng thể APSC ở cấp độ quốc gia để bảo đảm sự hài hòa giữa các nỗ lực khu vực với các nỗ lực quốc gia, và sự thành công tại mỗi quốc gia sẽ tạo sự thành công chung cho toàn khu vực.
Thứ hai, lồng ghép hài hòa Kế hoạch tổng thể APSC vào trong các chương trình hành động/công tác của các cơ quan liên quan của ASEAN.
Thứ ba, tăng cường phối hợp trong các vấn đề liên ngành trong APSC (giữa bốn cơ quan Ngoại giao-Công an-Quốc phòng-Tư pháp) và giữa ba trụ cột của ASEAN.
Thứ tư, thúc đẩy cam kết và hành động mạnh mẽ không chỉ của chính phủ mà của tất cả các tầng lớp, khu vực trong xã hội.
Và cuối cùng, ASEAN cần huy động mọi nguồn lực cần thiết để bảo đảm xây dựng thành công APSC, trong đó có sự hỗ trợ của các nước đối tác, bạn bè của ASEAN là rất quan trọng.
Với nỗ lực và quyết tâm chung, cùng việc thực hiện tốt các biện pháp kể trên, chắc chắn APSC sẽ được hình thành tốt đẹp theo đúng lộ trình vạch ra, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực. Chúng ta cũng hiểu rằng việc hình thành Cộng đồng mới chỉ là bước khởi đầu. Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực góp sức cùng các quốc gia bạn bè ASEAN để hoàn thiện hơn nữa Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN, góp phần làm cho ngôi nhà chung ASEAN của chúng ta thêm vững chắc trong thời gian tới.