Cuộc đua quyền lực tại Ðức

08:29, 11/08/2013

Chưa đầy hai tháng nữa, cuộc tổng tuyển cử ở Ðức, đầu tàu kinh tế châu Âu, sẽ diễn ra. Con đường tới nhiệm kỳ thứ ba của đương kim Thủ tướng A.Méc-ken được đánh giá là khá rộng mở. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, nếu không giành được đa số ghế quá bán trong QH cùng với đảng Dân chủ Tự do (FDP), bà Méc-ken có thể phải vượt qua cuộc đàm phán thành lập liên minh kịch tính nhất trong lịch sử nước Ðức.

Kết quả thăm dò ý kiến cử tri mới nhất do Viện Xã hội học Infratest thực hiện cho thấy, liên minh cầm quyền của đương kim Thủ tướng Ðức Méc-ken nhiều khả năng sẽ giành đủ phiếu để tiếp tục nắm quyền tại nền kinh tế hàng đầu châu Âu này. Lần đầu tiên kể từ cuối năm 2009, tỷ lệ ủng hộ đảng Liên minh Dân chủ - Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà Méc-ken và đối tác trong liên minh cầm quyền là FDP, đạt 47%. Ðáng chú ý, FDP đạt mốc quan trọng 5%, mức tối thiểu để tham gia QH. Theo Hiến pháp liên bang Ðức, để có ghế trong cơ quan lập pháp, đảng tham gia bầu cử phải nhận được ít nhất 5% phiếu. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy, tỷ lệ ủng hộ FDP thường không ổn định, có lúc xuống dưới 5%.

 

Trong trường hợp FDP không giành đủ số phiếu bắt buộc để có chân trong QH, Thủ tướng Méc-ken sẽ phải tìm kiếm một đối tác liên minh mới, có khả năng là đảng Dân chủ Xã hội (SPD) mà bà Méc-ken từng bắt tay hợp tác cầm quyền trong nhiệm kỳ đầu 2005-2009. SPD hiện chiếm ưu thế tại nhiều bang của Ðức. Kết quả thăm dò mới nhất cho thấy, tỷ lệ ủng hộ SPD, đảng Xanh và đảng Cánh tả (Die Linke) là 46%. Tuy  nhiên, lần này SPD tỏ ra khá kiên quyết bác bỏ khả năng thành lập đại liên minh với CDU/CSU. Tại Ðại hội bất thường của đảng diễn ra tháng 4 vừa qua, SPD bày tỏ mong muốn thay thế liên minh cầm quyền hiện nay bằng liên minh mới giữa SPD và đảng Xanh trong cuộc bầu cử QH sắp tới.

 

Tuy nhiên, các nhà phân tích không loại trừ khả năng SPD liên minh với CDU/CSU. Nếu chấp nhận "bắt tay" Thủ tướng Méc-ken một lần nữa, SPD được cho là sẽ yêu cầu những thỏa hiệp chính sách. Ðiều này có thể khiến chính phủ mới của bà Méc-ken phải đưa ra những quy định chặt chẽ hơn đối với ngành ngân hàng, thúc đẩy chi tiêu và tăng thuế của người thu nhập cao. Trong đó, thuế được nhận định sẽ là chủ đề gai góc nhất trong đàm phán giữa hai bên và  làm "đau đầu" vị Thủ tướng quyền lực nhất châu Âu này. Tăng thuế đối với người giàu là vấn đề bà Méc-ken không ủng hộ trong quá trình vận động tranh cử. Cương lĩnh tranh cử của bà nhấn mạnh, củng cố ngân sách vẫn là ưu tiên số một. Trong khi đó, chương trình tranh cử với tiêu đề: "Lãnh đạo nước Ðức tốt hơn và công bằng hơn: Vì một sự cân bằng xã hội mới trong đất nước" cho thấy, SPD dự kiến nếu thắng cử sẽ áp dụng mức thuế tối đa 49% đối với những người có thu nhập từ 100 nghìn ơ-rô một năm trở lên.

 

Ứng cử viên P.Xta-in-bruých thuộc SPD hiện là đối thủ lớn nhất của bà Méc-ken trong cuộc đua giành chiếc ghế Thủ tướng. Kết quả một cuộc thăm dò của Ðài Truyền hình ARD cho thấy, ông P.Xta-in-bruých giành 38% số ý kiến ủng hộ. Trong khi, 67% số người được hỏi hài lòng với những gì đương kim Thủ tướng Méc-ken đang làm. Thủ tướng Méc-ken hiện vẫn giữ vững vị trí đứng đầu danh sách các chính trị gia Ðức được tín nhiệm nhất, do vai trò hàng đầu trong việc giúp các "con nợ" trong Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) tránh phá sản và đưa nền kinh tế Ðức ra khỏi khủng hoảng. Viện Kinh tế Ifo của Ðức dự báo kinh tế nước này tăng trưởng 0,9% trong quý II năm nay, sau khi tăng 0,1% trong quý I và có thể đạt 0,6% cả năm.

 

Gần hai tháng nữa, cuộc tổng tuyển cử ở Ðức mới diễn ra, nhưng không chỉ người dân Ðức mà nhiều nước châu Âu đang chờ đợi chặng cuối của cuộc bầu cử trong tâm trạng lo lắng và hy vọng. Các "con nợ" lớn như Hy Lạp, Tây Ban Nha, I-ta-li-a, Bồ Ðào Nha và CH Síp đều có chung một mong muốn, nếu tiếp tục "chèo lái" con thuyền Ðức thêm một nhiệm kỳ nữa, bà Méc-ken sẽ nới lỏng yêu cầu các nước này cắt giảm ngân sách và chấp nhận chia sẻ gánh nặng nhiều hơn. Chưa rõ đảng nào sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua quyền lực này, nhưng chắc chắn kết quả bầu cử ở Ðức sẽ đóng vai trò quan trọng trong định hình lại chính sách tiền tệ, kinh tế ở Eurozone vốn đang chìm trong khủng hoảng nợ công.