Khủng hoảng tên lửa Cuba và những điều chưa biết - Kỳ 1: Từ sự kiện Vịnh Con lợn

09:31, 24/08/2013

Khủng hoảng tên lửa Cuba (tháng 10/1962) là sự kiện kịch tính nhất trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, từng đẩy Mátxcơva và Oasinhtơn đến bên bờ của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Nhưng rốt cuộc, ít người biết được nguyên nhân sâu xa gây ra nó và nhân loại đã thoát ra khỏi thảm họa hạt nhân nhãn tiền đó như thế nào.

Kỳ 1: Từ sự kiện Vịnh Con lợn

 

Chiến tranh Lạnh bắt đầu được một thời gian, Trung Âu và khu vực Viễn Đông  trở thành mặt trận giằng co, đấu tranh chủ yếu của hai phe Xô, Mỹ. Điều đo cũng có nghĩa thế trận được bày ngay trước cổng của Liên Xô. Đối với Mátxcơva, đặc biệt là Nikita Khrushchev, người đang giữ chức Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, đó là điều không thể chấp nhận được. Vì thế, Cremli quyết tâm tìm cách thay đổi tình hình. Sau khi cách mạng Cuba thắng lợi vào năm 1959, cơ hội đã đến với người Liên Xô.

 

Đứng trước sự uy hiếp về quân sự và quyết định đình chỉ viện trợ kinh tế của Mỹ, Cuba vẫn kiên cường. Nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Mátxcơva, ngày 3/7/1960, lãnh tụ Cuba, Fidel Castro, tuyên bố từ nay về sau sẽ là một bộ phận cấu thành của phe xã hội chủ nghĩa. Ngày 2/9 năm đó, trong một cuộc mít tinh với sự tham gia của hàng trăm nghìn người, Fidel đã đọc bản “Tuyên ngôn La Habana” nổi tiếng, kịch liệt chỉ trích chính sách mở rộng xâm lược của Mỹ ở Mỹ Latinh, tuyên bố “Mỹ Latinh là của người Mỹ Latinh”

 

Sau khi đi theo con đường chủ nghĩa xã hội, dưới sụ ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa, tình cảm chống Mỹ của người Cuba dâng cao. Tháng 1/1961, Mỹ cắt quan hệ ngoại giao với Cuba. Quan hệ giữa Mỹ và Cuba căng thẳng cực độ. Ngày 20/1/1961, John Kennedy lên thay Dwight Eisenhower làm tổng thống thứ 35 của Mỹ. Tình hình vẫn không có gì thay đổi bởi trong quá trình tranh cử, Kennedy đã biểu thị một cách rõ ràng rằng Mỹ sẽ không để cho Liên Xô biến Cuba thành căn cứ của mình trên biển Caribê. Tiếp quản Nhà Trắng, Kennedy càng cho thúc đẩy kế hoạch ủng hộ các phẩn tử lưu vong Cuba lật đổ chính quyền của Fidel. Theo Dobrynin, nhà ngoại giao kỳ cựu của Liên Xô, Cục tình báo trung ương Mỹ và Lầu Năm góc đã lên kế hoạch bí mật mang tên Mangosta với mục tiêu là làm suy yếu và sụp đổ hoàn toàn chính quyền của Fidel.

 

 

Những tên phản động lưu vong Cuba bị bắt trong Sự kiện Vịnh Con lợn.

 

Ngày 15/4/1961, ba chiếc máy bay B-26 sơn cờ hiệu Cuba mang theo bom, tên lửa và súng máy tấn công một số sân bay chủ yếu gần La Habana như ở Ciudad Libertad, San Antonio de Los Banos… Sau đó, hai trong ba chiếc B-26 hạ cánh xuống Florida (Mỹ), những tên phi công bước xuống, tự xưng là người của không quân Cuba đào tẩu, yêu cầu được tị nạn chính trị. Chiếc B-26 còn lại bị pháo cao xạ Cuba bắn bị thương, buộc phải hạ cánh xuống Giamaica. Kỳ thực, ba chiếc máy bay này không giống những chiếc máy bay không quân Cuba sử dụng. Trên thực tế, nó cất cánh từ một căn cứ ở trong lãnh thổ Goatêmala và do những phần tử lưu vong điều khiển. Chúng muốn tiêu diệt hoàn toàn lực lượng không quân của Cuba, nhưng đã không thể toại nguyện.

 

Cũng đúng lúc này, hơn 1.200 phần tử lưu vong Cuba tổ chức thành một đội đột kích viễn chinh, lên 4 chiếc tàu rời cảng ở Nicaragoa. Chúng mang theo 5 chiếc xe tăng, nhiều khẩu pháo 75 mm và súng chống tăng, sáng sớm ngày 17/4 đổ bộ lên bãi biển Giron ở trung nam bộ Cuba. Ngoài ra, các phần tử phản động lưu vong Cuba còn sử dụng máy bay để thả xuống Cuba 175 tên lính dù. Tuy nhiên, điều chúng không ngờ là vừa chân ướt chân ráo lên bờ đã bị tan tác bởi lưới lửa phục kích của các lực lượng vũ trang Cuba. Kết quả: 82 tên đền mạng, gần 1.200 tên bị bắt sống, chỉ có khoảng 50 tên lóp ngóp trên biển được tàu Mỹ cứu vớt mang đi.

 

Đây chính là Sự kiện bãi biển Giron hay còn gọi là Sự kiện Vịnh Con lợn. Hệ quả của nó là:

 

1/ Làm tăng thêm quyết tâm đi theo con đường xã hội chủ nghĩa cùng Liên Xô của nhân dân Cuba. Tháng 5/1961, Fidel chính thức tuyên bố Cuba la một nước xã hội chủ nghĩa, hợp nhất Phong trào 26/7, Đảng Xã hội nhân dân và Ủy ban chỉ đạo cách mạng 13/3, xây dựng tổ chức cách mạng thống nhất (năm 1965 đổi thành Đảng Cộng sản Cuba).

 

2/ Làm cho chính phủ Mỹ bị dư luận trong ngoài nước chỉ trích. Cuộc đổ bộ lên bãi biển Giron thảm bại là đòn đánh mạnh vào Kennedy. Sau khi Sự kiện Vịnh Con lợn xảy ra, Kennedy lập tức phái hai thuộc hạ thân tín tới Florida theo dõi việc lãnh đạo chính trị những phần tử lưu vong Cuba đang phẫn nộ vì bị CIA cấm tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Không lâu sau, Kennedy đã hòa giải thành công với những tên lãnh đạo lực lượng Cuba lưu vong, đồng ý với chúng rằng Mỹ sẽ bỏ 53 triệu USD để chuộc những tên phản động lưu vong bị bắt trong Sự kiện Vịnh Con lợn về trước lễ Noel và sẽ loại Cuba ra khỏi Tổ chức các nước châu Mỹ trong hội nghị của tổ chức này vào tháng 1/1962…

 

3/ Cổ vũ mạnh mẽ phe xã hội chủ nghĩa. Ngày 184/1961, Liên Xô ra tuyên bố kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh dũng cảm giành độc lập, tự do của nhân dân Cuba, yêu cầu Mỹ ngừng mọi hành động xâm lược nhằm vào Cuba. Khrushchev sau này cũng viết: “Sau khi Fidel giành thắng lợi quyết định trước các phần tử phản cách mạng, chúng tôi đã tăng cường viện trợ quân sự cho Cuba. Quân đội Cuba có thể tiếp nhận được bao nhiêu vũ khí, chúng ta sẽ cung cấp bấy nhiêu”.

 

Nếu đem kết hợp ba yếu tố trên lại, rõ ràng, Cuba ngày càng gần với Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa. Cuộc đấu tranh giữa Mátxcơva và Oasinhtơn lấy La Habana làm thể mang cũng ngày càng quyết liệt. Cuộc khủng hoảng trên biển Caribê đã xảy ra trong bối cảnh đó.