Việc hai tỷ phú chi tiền mua hai tờ báo đình đám chỉ trong vài ngày đã khiến giới phân tích dự đoán về một trào lưu thâu tóm trên toàn cầu, đặc biệt khi ngành xuất bản đang gặp khó khăn chồng chất về tài chính.
Doanh thu quảng cáo trên báo giấy giảm sút, quảng cáo kỹ thuật số tăng trưởng chậm và không nhiều người dùng sẵn sàng trả tiền để đọc báo trực tuyến đã khiến ngành bào chí thế giới lâm vào tình trạng khó khăn tài chính trong vài năm trở lại đây. Một số công ty truyền thông đã phải áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ lợi nhuận, như đa dạng hóa các sản phẩm, hoặc chia tách mảng xuất bản.
Tháng 6 năm nay, đế chế truyền thông News Corp của tỷ phú Rupert Murdoch đã hoàn thành việc tách khu vực xuất bản với bộ máy giải trí đang rất có lãi. Mảng xuất bản của hãng có cả tạp chí đình đám Wall Street Journal, nhưng được định giá chỉ bằng một phần bảy mảng phim - truyền hình.
Những biện pháp trên từng được đánh giá có thể tạm thời làm chậm lại tốc độ M&A (mua bán và sáp nhập) trong ngành. Tuy nhiên, hai thương vụ thâu tóm báo chí liên tiếp từ cuối tuần trước đã khiến giới phân tích phải nghĩ lại. Hôm 6/8, tỷ phú Amazone - Jeff Bezos chi 250 triệu USD mua Washington Post. Chỉ vài ngày trước, tỷ phú John W. Henry mua Boston Globe với giá 70 triệu USD. Đây chính là hồi chuông cảnh báo với các cổ đông rằng giá trị tài sản ngành xuất bản đang tuột dốc không phanh.
"Washington Post đã được bán với giá gấp nhiều lần giá trị thị trường, do thương hiệu nổi tiếng và tình bạn lâu năm giữa Bezos với CEO Don Graham của Tập đoàn Washington Post", Ken Doctor – một nhà phân tích truyền thông cho biết. Tuy nhiên, nó vẫn chỉ bằng một góc giá trị vài năm trước.
Giới phân tích cho rằng động thái của Bezos có thể mở màn cho làn sóng thâu tóm báo chí toàn cầu. Bezos cũng được kỳ vọng sẽ tìm ra mô hình kinh doanh mới cho ngành này, Michael Shanahan - giáo sư tại Trường Truyền thông thuộc Đại học George Washington nhận định.
Wall Street ủng hộ quyết định của Graham. Cổ phiếu Tập đoàn WP đã tăng 4,3% trong phiên giao dịch ngày hôm qua, khi nhà đầu tư thấy hãng đã cắt giảm được một mảng kinh doanh đang suy thoái, chỉ đóng góp 13% tổng doanh thu. Nhiều năm trước, WP đã phải đa dạng hóa sản phẩm để bảo toàn lợi nhuận.
Tuy nhiên, Westcott Rochette, một nhà phân tích tại S&P Capital IQ lại cho rằng thương vụ này không hẳn đã "châm ngòi cho làn sóng thâu tóm". Ông nhận định: "Tôi cho rằng người bán sẽ nhiều hơn người mua. Vì thế, anh sẽ thấy nhiều công ty bị tách ra thay vì được mua ngay lập tức".
Không thể tìm được người mua 10 tờ nhật báo, trong đó có Los Angeles Times, Chicago Tribune và Baltimore Sun, Tập đoàn Tribune đã phải lên kế hoạch tách mảng xuất bản ra khỏi mảng truyền hình, cáp và kỹ thuật số đang ăn nên làm ra. Các cuộc đàm phán với anh em tỷ phú Koch để bán tờ Los Angeles Times cũng đang gặp rắc rối sau hàng loạt cuộc biểu tình của những người phản đối việc thâu tóm.
Tuy nhiên, sau khi chia tách, những tờ báo này vẫn hoàn toàn có thể được bán đi, James Goss - nhà phân tích truyền thông tại Barrington Research cho biết. "Tribune vẫn còn hoạt động, và đó lại là tờ báo uy tín. Vì thế, nếu có người đề nghị mức giá hợp lý, họ sẽ không từ chối đâu".
Giới quan sát cũng đang đồn đoán về tương lai của New York Times, dù CEO Arthur Sulzberger luôn phải nhắc đi nhắc lại rằng ông không muốn bán. Tuy nhiên, khi đã bán bớt tài sản như Boston Globe, Sulzberger rõ ràng đã phải đặt cược toàn bộ việc kinh doanh vào thương hiệu chính.
Tin tức về việc Financial Times (Anh) có thể bị bán cũng lan rộng khi công ty mẹ của họ là Pearson cam kết đầu tư nhiều hơn cho mảng giáo dục. Bloomberg, Thomson Reuters và cả News Corp năm ngoái cũng tỏ ý sẵn sàng mua lại tạp chí danh tiếng này. Tuy nhiên, John Fallon - người sẽ tiếp quản vị trí CEO của Pearson trong năm nay lại tuyên bố sẽ không bán Financial Times.