"Người lộ mật" Snowden đã rời sân bay ở Mátxcơva

07:06, 02/08/2013

Người tiết lộ thông tin mật đang bị Mỹ truy nã, Edward Snowden đã rời sân bay Sheremetyevo ở Mátxcơva sau hơn một tháng tá túc tại khu vực quá cảnh của sân bay này do đã được cấp quy chế tị nạn tạm thời một năm ở Nga.

Thông tin này được ông Anatoly Kucherena - luật sư của cựu nhân viên kỹ thuật của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) - tiết lộ ngày 1/8.

 

Ông Kucherena nói: “Snowden đã rời sân bay Sheremetyevo. Ông ấy vừa được cấp giấy tờ trao quy chế tị nạn tạm thời ở Nga trong một năm”.

 

Một nữ phát ngôn viên tại sân bay Sheremetyevo cũng xác nhận Snowden vừa rời khỏi sân bay này trong vòng 2 giờ trước đó.

 

Một nguồn tin nói với hãng thông tấn Nga Interfax rằng Snowden đã vượt qua biên giới nước Nga lần đầu tiên.

 

Kucherena nói rằng Snowden đã tự bắt chiếc taxi bình thường khi rời sân bay, đồng thời nói thêm rằng nơi trú ẩn mới của thân chủ được giữ bí mật vì lý do an ninh.

 

"Địa điểm trú ẩn của anh ấy đã không được công khai kể từ khi trở thành người bị truy lùng gắt gao nhất thế giới. Tự anh ấy sẽ quyết định là mình sẽ đi đâu," Kucherena cho biết.

 

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya 24, Kucherena đã giơ lên trước ống kính máy quay một bản sao chụp giấy tị nạn tạm thời dành cho Snowden do phía Nga cấp, có thời hạn một năm.

 

"Cậu ấy đã đi tới một nơi an toàn," luật sư của Snowden nói.

 

Snowden, 29 tuổi, từng làm việc trong lĩnh vực an ninh mạng của CIA.

 

Hồi tháng Năm, sau khi tới Hong Kong, anh này đã tiết lộ nhiều thông tin gây chấn động, trong đó có việc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) từ năm 2007 đã theo đuổi một chương trình tuyệt mật gọi là PRISM, cho phép NSA và Cục Điều tra Liên bang (FBI) truy cập trực tiếp vào hệ thống máy chủ của các công ty mạng hàng đầu của Mỹ để thu thập thông tin, nghe lén các cuộc điện thoại không chỉ của hàng triệu người Mỹ ở trong nước cũng như hoạt động Internet của những người Mỹ ở nước ngoài mà còn cả công dân nhiều nước trên thế giới, thậm chí nhiều cơ quan của Liên minh châu Âu (EU) cũng bị theo dõi. 

 

Vụ việc đã phủ bóng đen lên quan hệ giữa Mỹ và nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các đồng minh châu Âu, đồng thời cũng gây nên căng thẳng giữa Mỹ và một số đồng minh với các nước cánh tả Mỹ Latinh, sau vụ máy bay chở Tổng thống Bolivia bị từ chối đi qua không phận của một loạt nước châu Âu hồi tháng trước.