Trong tuần qua, khi bầu không khí ở Cai Cập bắt đầu có dấu hiệu lắng dịu thì lập tức câu chuyện về vũ khí hóa học tại Syria lại bùng phát. Thật hư câu chuyện thế nào chưa rõ, bởi vấn đề này đã nhiều lần xảy ra, nhưng cũng đủ khiến cho toàn bộ khu vực Bắc Phi Trung Đông lại bị khấy tung lên.
Chỉ tính từ hồi đầu năm 2013 đến nay, chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad và lực lượng nổi dậy đã không ít lần tố cáo lẫn nhau về việc sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc giao tranh. Sự mập mờ khó xác định trắng đen càng thể hiện rõ qua phản ứng có tính bảo vệ “phe mình” của Mỹ và Nga, hai thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An, hai nước hiện có vai trò chủ chốt trong vấn đề Syria. Tháng 3-2013, Tổng thống Mỹ Obama đã đưa ra lời cảnh báo về “ranh giới đỏ” đối với chính phủ Syria. Ngược lại, theo Tổng thống Putin, có những dấu hiệu khẳng định chính phe nổi dậy đã sử dụng vũ khí hóa học, và vì thế mọi sự can thiệp quân sự từ bên ngoài đều không thể chấp nhận.
Thoạt nhìn thì kịch bản lần này cũng không khác là bao so với những gì diễn ra trước đó: vẫn lại là những cáo buộc giữa chính phủ và lực lượng nổi dậy; những bất đồng giữa Nga với các nước phương Tây, điển hình là tại cuộc họp kín của HĐBA ngày 21-8; Anh, Pháp và Mỹ lại đưa ra những đe dọa về khả năng sử dụng vũ lực để can thiệp vào Syria v.v.
Tuy nhiên, trên thực tế vụ việc lần này nghiêm trọng hơn nhiều, bởi dù có đổ lỗi cho nhau thì cả hai phía cũng đều phải công nhận một sự thật là đã có rất nhiều người thiệt mạng do độc chất hóa học. Theo công bố của Tổ chức thầy thuốc không biên giới (MSF) ngày 25-8-2013, đã tiếp nhận chữa trị cho khoảng 3.600 bệnh nhân có triệu chứng thần kinh do hít phải chất độc hóa học, trong số đó đã có 355 người đã chết (con số mà phe nổi dậy còn lớn hơn nhiều lần). Một sự khác biệt nữa là lần này dấu hiệu sử dụng vũ khí hóa học đã xuất hiện ở nhiều nơi tại Syria. Đặc biệt nghiêm trọng là hôm 26-8, đoàn thanh sát của Liên Hợp Quốc (ngay sau những cáo buộc của phương Tây, chính phủ Syria đã cho phép LHQ vào điều tra) đã bị một số tay súng bịt mặt bắn khi đang tiến hành điều tra tại al-Ghouta, phía Đông thủ đô Damascus, nơi xảy ra vụ thảm sát liên quan tới vũ khí hóa học.
Để có được một kết luận cuối cùng của vụ việc này chắc phái đoàn thanh sát của LHQ còn phải nỗ lực làm việc trong một thời gian nữa. Các nước phương Tây có tiến hành các biện pháp trừng phạt quân sự với chính phủ Bashar al-Assad chắc cũng không thể ngay lập tức, như lời Tổng thống Obama “không có gì phải vội vã trong việc đưa nước Mỹ sa lầy vào một cuộc xung đột mới tại Trung Đông khi chưa có những bằng chứng xác thực”. Và cuối cùng cục diện chiến sự tại Syria có thay đổi không sau vụ việc này hay không chắc cũng chưa thể có kết luận vào lúc này.
Nhưng cũng chính từ vụ vũ khí hóa học tại Syria, có lẽ đã đến lúc cộng đồng quốc tế cần có một cái nhìn tổng thể hơn về tất cả những gì đang diễn ra trên phạm vi toàn khu vực Bắc Phi – Trung Đông, bởi nó như miếng ghép cuối cùng làm sáng tỏ bức tranh hiện thực của khu vực.
Ba năm qua kể từ thời điểm bùng phát Mùa Xuân Ả Rập (năm 2010), chưa có bất cứ một thời điểm nào mà khu vực Bắc Phi – Trung Đông được bình yên. Bom vừa ngừng rơi tại Lybia thì nội chiến Syria bùng phát, những vụ nã rốc két giữa Israel và Hamas chưa có dấu hiệu chấm dứt thì xung đột tại Ai Cập bắt đầu v.v. Thảm cảnh hơn cả là rất nhiều người Ả Rập, có chung một đức tin vào Đấng tiên tri Mohamed, thậm chí có chung một dòng máu huyết thống đã ngã xuống trong các cuộc xung đột đẫm máu. Chính sự đồng dạng về văn hóa, sự tương đồng về chính trị cũng như phần nào đó là cả mô hình phát triển v.v. đã khiến cho sự hỗn loạn tại các nước Ả rập trong khu vực không thể tồn tại riêng rẽ được, mà ngược lại chúng phải có mối liên quan chặt chẽ. Đơn cử như ngày 23-8-2013, vụ nổ bom bên ngoài hai nhà thờ Hồi giáo tại thành phố Tripoli (Lybia) làm ít nhất 42 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương. Vụ việc được cho là kết quả của sự thù địch giữa những lực lượng ủng hộ hai phe tại Syria. Hay như trong chính vụ vũ khí hóa học tại Syria, do có quá nhiều lý do vào thời điểm hiện tại để có thể phủ nhận khả năng sử dụng loại vũ khí này của cả phía chính phủ lẫn phía nổi dậy nên rất nhiều chuyên gia phân tích đưa ra nhận định về sự tham gia của một lực lượng thứ ba, rất có thể là những nhóm hồi giáo cực đoan, những lực lượng khủng bố Al Qaeda hay Boko Haram. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra vì sự có mặt của các lực lượng này đã được kiểm chứng tại rất nhiều cuộc xung đột lại Lybia, Mali, Nigeria, Syria, Ai Cập v.v. Hơn nữa, khả năng lây lan rất nhanh của những cuộc chính biến theo kiểu mùa Xuân Ả Rập cũng khiến cho bất kể quốc gia nào trong khu vực cũng có thể bị nguy cơ nhiễm cùng một căn bệnh “rối loạn xã hội”.
Tình trạng bất ổn kéo dài càng làm cho mâu thuẫn, vốn luôn rình rập, trong quan hệ giữa các nước Hồi giáo cũng ngày một căng thẳng. Trước bất cứ một cuộc xung đột nào, như ở Lybia, Ai Cập hay Syria v.v., người ta đều chứng kiến tồn tại hai phe tương ứng với tình hình nội tại mỗi nước, tiêu biểu như trước vụ lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi, Ả rập Xê út thì ủng hộ hành động của quân đội, còn Quatar thì lại có quan điểm ngược lại, cho dù cả hai đều nằm trong Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và là các đồng minh thân cận của Mỹ. Chính sự chia rẽ trong khu vực khiến cho các cơ chế hợp tác tại đây, điển hình là hai cơ chế lớn nhất là Liên đoàn Ả rập (AL) và Tổ chức Hồi giáo (OIC), gần như tê liệt. Hệ quả tất yếu là các nước trong khu vực luôn trong tình trạng bị bên ngoài hoặc tệ hơn là phải mời bên ngoài can thiệp. Tất nhiên, vị trí chiến lược cùng với các nguồn lợi thiên nhiên quý giá như dầu lửa, vàng, kim cương… càng khiến khu vực luôn là tâm điểm của sự tranh giành giữa các thế lực ở cả bên ngoài khu vực. Sự đan xen lợi ích của các lực lượng trong ngoài khu vực luôn là một trong nhữg lý do chủ yếu đẩy người dân nơi đây vào cảnh xung đột, chiến tranh.
Câu chuyện vũ khí hóa học còn cho thấy mức độ nguy hiểm của các xung đột hiện nay tại khu vực, đơn giản bởi sự tồn tại đủ loại vũ khí nơi đây là một sự thật. Trong bối cảnh giao tranh ngày một khốc liệt, chẳng ai có thể bảo đảm rằng người ta sẽ từ bỏ một trong số vũ khí đó chỉ vì khả năng sát thương quá lớn.
Bức tranh hiện thực của Bắc Phi – Trung Đông đang chỉ ra rằng, nội chiến ở Syria, xung đột Israel – Palestin hay bất kể một xung đột nào tại đây phải được giải quyết tổng thể. Cách thức giải quyết riêng rẽ từng vấn đề từ trước tới nay cho thấy sẽ mau chóng rơi vào bế tắc. Suốt thời gian qua, các nước trong khu vực thực sự đã phí phạm những công cụ hữu ích mà họ đang sở hữu – các cơ chế hợp tác như AL, OIC, GCC v.v. Đã đến lúc các nước trong khu vực cần phải đánh giá lại vai trò cũng như cách thức sử dụng những công cụ này.