Lãnh đạo Hạ viện Mỹ ủng hộ việc tấn công Syria

07:43, 04/09/2013

Kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria của Tổng thống Obama đã vượt qua một trong những cửa ải khó khăn nhất khi bất ngờ nhận được sự hậu thuẫn của lãnh đạo Hạ viện, nơi đảng Cộng hòa đang nắm quyền kiểm soát. 

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp với Tổng thống Obama tại Nhà Trắng vào sáng ngày 4/9 (giờ Việt Nam), lãnh đạo cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Hạ viện đều tuyên bố ủng hộ kế hoạch tấn công Syia của chính phủ Mỹ.

Chủ tịch Hạ viện John Boehner nói: “Việc sử dụng các loại vũ khí hóa học cần phải bị đáp trả. Chỉ Mỹ mới có năng lực và khả năng ngăn chặn chế độ Assad và cảnh báo các nước khác rằng những hành xử như vậy sẽ không được dung thứ. Tôi đánh giá cao việc Tổng thống đề nghị Quốc hội thông qua hành động can thiệp quân sự. Tôi sẽ ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thống và tin rằng các đồng nghiệp của mình cũng sẽ làm như vậy.”

Ông Boehner cho rằng, Liên Hợp Quốc không thể hành động và NATO nhiều khả năng cũng sẽ không can thiệp quân sự chống Syria. Về phần mình, lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi cũng nhấn mạnh rằng Washington phải đáp trả những hành động “vượt ra ngoài quỹ đạo hành xử văn minh của loài người”.

“Nhân loại đã vạch ra một giới hạn cách đây nhiều thập kỷ. Tôi nghĩ rằng nếu nước Mỹ làm ngơ thì đó sẽ là hiểm họa đối với nhiều người khác, những người có thể sẽ phải hứng chịu đau khổ”. Bà Nancy nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Hạ viện, đồng thời là lãnh đạo phe đa số, Eric Cantor nêu rõ rằng Mỹ có lợi ích an ninh quốc gia trong việc ngăn chặn và đáp trả các hình thức sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Để có được sự ủng hộ quan trọng này, ông Obama đã phải tận dụng tối đa khoảng thời gian ngắn ngủi trước khi lên đường thăm Thụy Điển sáng cùng ngày để vận động các nhà lãnh đạo Hạ viện với cam kết kế hoạch tấn công Syria sẽ mang lại những kết quả quan trọng trong khi không để nước Mỹ sa lầy vào một cuộc chiến rộng lớn hơn.

Theo ông Obama, tấn công Syria cho phép Mỹ có thể làm suy giảm khả năng sử dụng các loại vũ khí hóa học của chính quyền al-Assad ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai. Tổng thống Obama cũng khẳng định rằng Nhà Trắng hiện có một chiến lược rộng lớn hơn, cho phép tăng cường khả năng của phe đối lập và cuối cùng sẽ giúp Syria thoát khỏi sự chết chóc và sự tàn phá khủng khiếp của cuộc nội chiến.

Để trấn an dư luận Mỹ, ông Obama khẳng định: “Đây không phải là cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Đây là một bước tiến có giới hạn và cân xứng, qua đó phát đi một thông điệp rõ ràng, không chỉ đến chế độ Assad, mà còn đến các nước khác rằng thách thức một số tiêu chuẩn quốc tế sẽ dẫn đến những hậu quả”.

Tuy nhiên, sự ủng hộ của lãnh đạo Hạ viện không có nghĩa là kế hoạch tấn công Syria chắc chắn sẽ được thông qua. Hiện nay mới chỉ 23 trong số 435 Hạ nghị sỹ và 20 trong số 100 Thượng nghị sỹ xác nhận sẽ bỏ phiếu thuận.   

Trong khi đó, theo kết quả điều tra dư luận do tờ Washington Post-ABC News công bố ngày 3/9 cho thấy, gần 60% số người được hỏi phản đối Mỹ tấn công Syria và số người ủng hộ chiếm chưa đến 40%. Đáng chú ý, tỷ lệ cử tri Dân chủ và Cộng hòa phản đối biện pháp can thiệp quân sự là ngang nhau.

Theo giới quan sát, với sự ủng hộ bất ngờ của một số nhà lãnh đạo chủ chốt hai đảng trong Quốc hội, chính quyền Obama đã bước đầu thành công trong nỗ lực vận động hành lang trong nước.

Trong 2 ngày (5-6/9) tham dự hội nghị thượng đỉnh của 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Nga sẽ là khoảng thời gian quan trọng để ông Obama tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế./.