15 thành viên tại Hội đồng bảo an đã bỏ phiếu nhất trí thông qua nghị quyết trên, chấm dứt căng thẳng nhiều tuần giữa Nga và Mỹ. Nghị quyết này dựa trên thỏa thuận giữa Nga và Mỹ đạt được tại Geneva vào đầu tháng này sau vụ tấn công bằng khí độc sarin tháng 8 khiến hàng trăm người ở ngoại ô Damacus thiệt mạng. Khi đó, Washington đổ lỗi cho Syria và lên kế hoạch trừng phạt còn Nga và Syria khẳng định vụ việc do quân nổi dậy thực hiện.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc ông Ban Ki-moon cho biết nghị quyết được thông qua với sự đồng thuận của các cường quốc đã mang đến nhiều hy vọng, chờ đợi hội nghị hòa bình về Syria vào giữa tháng 11 tại Geneva. Kế hoạch loại trừ vũ khí hóa học ở Syria không phải là giấy thông hành với các vũ khí thông thường khác.
Ông Ban Ki-moon kêu gọi khi tiến hành bước quan trọng này, tất cả đừng quên danh sách: bom, xe tăng, lựu đạn, súng… gieo rắc kinh hoàng cho thường dân ở Syria. Bởi tia sáng đỏ cho một loại vũ khí không có nghĩa là tia sáng xanh cho những loại vũ khí khác.
Nghị quyết không cho phép hành động trừng phạt tự động như tấn công quân sự hoặc các biện pháp trừng phạt khác nếu Syria không tuân thủ. Tuy nhiên, theo ông Sergei Lavrov-Ngoại trưởng Nga thì Hội đồng bảo an sẽ chuẩn bị một số biện pháp trừng phạt mạnh mẽ trong trường hợp phía Syria không thực hiện đúng theo nghị quyết.
Ông John Kerry-Ngoại trưởng Mỹ ủng hộ nghị quyết trên và cho rằng đối thoại, ngoại giao có sức mạnh lớn đến nỗi có thể tháo ngòi vũ khí chiến tranh tồi tệ nhất.
Trong khi đó, đại sứ của Syria tại Liên Hiệp Quốc, ông Bashar Ja'afari cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Qatar, Pháp và Mỹ cần tuân thủ nghị quyết và chịu trách nhiệm nếu tiếp tục hỗ trợ cho quân nổi dậy chống chính quyền. “Các nước không thể cứ mang bọn khủng bố từ khắp nơi trên thế giới, gửi đến Syria với danh nghĩa thánh chiến và sau đó lại hô to lên rằng đang làm việc vì hòa bình” - ông Bashar Ja'afari nói.