Từ tối 4-10, thông tin Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp từ trần đã nhanh chóng lan tỏa trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng toàn thế giới. Nơi cách xa nửa vòng trái đất, ở hòn đảo Cuba anh em cũng nhận chung nỗi đau mất mát lớn này.
Bài viết “Vị Tướng của thế kỷ 20 đã ra đi”, đăng cùng ngày với điện chia buồn của Chủ tịch Cuba Raúl Castro trên trang chủ tờ báo đại diện cho Cơ quan T.Ư Đảng Cộng sản Cuba ngày 5-10, với từ “Tướng” được viết hoa, mở đầu bằng lời giới thiệu: “Với những chiến công lừng lẫy, vị Tướng Việt Nam huyền thoại Võ Nguyên Giáp luôn được kẻ thù kính nể gọi tên là ‘Napoleon của Việt Nam’ hay ‘Ngọn núi lửa phủ tuyết trắng’”.
Tác giả đã dành hẳn phần lớn bài viết để nói về tiểu sử và những cống hiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho dân tộc, trong đó có đoạn: “… Một con người phi thường, đã chiến thắng và đánh đuổi nhiều kẻ thù xâm lược, giành thắng lợi tại Điện Biên Phủ, hoàn thành sứ mệnh thống nhất đất nước. Cuộc đời ông gắn chặt với sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, với lịch sử hình thành của lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam”.
Điểm qua những năm tháng Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng bước xây dựng lực lượng Quân đội Nhân dân tinh nhuệ, vẻ vang ngày nay, bài báo nói rõ: “Cuối năm 1941, ông thành lập nhóm du kích kháng chiến đầu tiên. Cuối tháng 12-1944, ông cùng đồng đội chiếm một đồn lính địch, mở rộng lực lượng thành các tiểu đoàn vũ trang đầu tiên của Việt Nam. Tới giữa năm 1945, quân số lực lượng này đã lên tới mười nghìn người”.
Không chỉ dừng lại ở đó, tác giả còn nhắc tới ý chí kiên định, bất khuất của Đại tướng: “Trước những kế hoạch tàn bạo của kẻ thù nhằm vào gia đình, Tướng Giáp vẫn không nao núng… Chiến thắng của ông là chiến thắng lớn của một đất nước thuộc địa, phong kiến, với nền nông nghiệp thô sơ, trước kẻ thù là có bề dày kinh nghiệm chiến tranh đế quốc, và nền công nghiệp hiện đại”.
“Các tướng lĩnh nổi tiếng nhất của quân đội Pháp thời bấy giờ như De Lattre de Tasigny, Juin, Ely, Sulan, Naverre… phải chịu thất bại trước một đội quân gồm những người nông dân áo vải…”; “Bốn đời Tổng thống Mỹ… và đến năm 1975, chiếc xe tăng của quân đội Việt Nam húc đổ cổng Dinh Độc Lập, trong khi những kẻ xâm lược nháo nhào chạy trốn trên một chiếc trực thăng…” – tờ Granma nhấn mạnh.
Nói đến tài năng quân sự của Đại tướng, bài viết bày tỏ lòng ngưỡng mộ: “... Một bậc thầy trong nghệ thuật chỉ huy chiến tranh cách mạng, tác giả của nhiều cuốn sách về chiến tranh du kích”.
Phân tích sâu hơn, tác giả ca ngợi: “Tất cả như những cẩm nang hướng dẫn, cung cấp ba nguyên tắc cơ bản nhất để một lực lượng quân đội nhân dân có thể chiến thắng chủ nghĩa đế quốc: Quản lý, tổ chức và chiến lược; đồng thời phải đúng với đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản; thêm vào đó là kỷ luật thép, nhưng vẫn phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội và chính trị của đất nước”.
Kết thúc bài viết, dẫn lời các tướng lĩnh nổi tiếng của quân đội Pháp và Mỹ, những người đã từng có cơ hội “thử sức” với Võ Đại tướng:
“Tướng Giáp chỉ huy một đội quân luôn giành chiến thắng trong suốt 30 năm liên tục. Một kỳ tích chưa từng có trong lịch sử…” – Marcel Bigeard, một trong những vị tướng nổi tiếng nhất của quân đội Pháp, đã từng đầu hàng trong trận chiến ở Điện Biên Phủ năm 1954, khi mới là một thiếu tá lính dù.
“Những phẩm chất làm nên một nhà chỉ huy quân sự lớn gồm khả năng ra quyết định, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung, khả năng phối hợp sử dụng thông tin tình báo. Tướng Giáp là người có tất cả những điều đó” - William Westmoreland, chỉ huy quân đội Mỹ tại Việt Nam thời điểm 1968-1972.
Tổng tư lệnh Fidel Castro và Đại tướng tại nhà riêng, số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) ngày 22-2-2003.