Vụ scandal Snowden tiếp tục làm lộ nhiều thông tin khiến Mỹ phải bẽ bàng. Châu Âu không thể khoanh tay nữa để Mỹ qua mặt.
Kết thúc Hội nghị cấp cao mùa thu diễn ra trong hai ngày 24 và 25/10 tại thủ đô Brussels, Bỉ, lãnh đạo 28 nước thành viên Liên minh châu Âu hôm 25/10 nhất trí thành lập “một mặt trận chung” nhằm chống lại chương trình do thám của Mỹ. Điều này một lần nữa cho thấy, vụ bê bối nghe lén đang gây ra cơn bão ngoại giao giữa Mỹ với các đồng minh, đặt các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trước những thử thách lớn.
Mặc dù chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu lần này là về vấn đề kinh tế song gần như nó đã bị chi phối bởi vụ bê bối tình báo Mỹ nghe lén điện thoại của nhiều nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu. Các lãnh đạo châu Âu đã bày tỏ tức giận trước vụ bê bối này, đồng thời cho rằng, xin lỗi là chưa đủ mà cần phải có sự thay đổi lớn, sớm thiết lập một thỏa thuận khung với Mỹ về hoạt động do thám.
Cũng theo các nhà lãnh đạo châu Âu, sự thiếu tin tưởng lẫn nhau có thể tạo ra những định kiến. Sau 2 ngày họp, Hội nghị đã ra tuyên bố riêng về vấn đề này, trong đó nhấn mạnh mối quan ngại sâu sắc của châu Âu. Bên cạnh đó, Pháp và Đức cũng đang yêu cầu Mỹ giải thích rõ về những thông tin này và dự kiến sẽ tìm kiếm một thỏa thuận với Mỹ vào cuối năm về hoạt động thu thập thông tin tình báo.
Song song với tiến trình này, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng yêu cầu sự tham gia tích cực của tất cả các nước. Bà nói: “Pháp và Đức sẽ không thay mặt tất cả các nước khác để thảo luận với Mỹ về vấn đề này. Mỗi nước cần tiến hành các cuộc tiếp xúc song phương với chính quyền Mỹ nhằm làm rõ vấn đề và để đảm bảo rằng những sự việc đáng tiếc sẽ không diễn ra trong tương lai”.
Xây dựng một quy tắc rõ ràng với Mỹ về vấn đề do thám cũng là thông điệp mà Tổng thống Pháp Francois Hollande gửi đi tại hội nghị: “Cùng với Thủ tướng Đức và được sự ủng hộ của Hội đồng châu Âu, chúng tôi đã đưa ra một sáng kiến nhằm tạo khuôn khổ hợp tác chung với Mỹ để tránh tái diễn những hành vi kiểu này.”
Quan điểm của 2 nhà lãnh đạo Pháp và Đức đã nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu. Dự kiến, đầu tuần tới, một phái đoàn Nghị viện châu Âu sẽ tới Washington để nghe những giải thích từ phía Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ. Tuy nhiên, trong lúc này, nhiều nghị sĩ Liên minh châu Âu đã yêu cầu các biện pháp trả đũa.
Nghị sĩ Bỉ Guy Verhofstadt nói: “Chúng tôi đã yêu cầu Nghị viện châu Âu chấm dứt thảo thuận SWIFT về trao đổi dữ liệu tài chính giữa Liên minh châu Âu và Mỹ cho tới khi chúng ta biết rõ những gì đang xảy ra hiện nay. Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đã thu thập những dữ liệu nào và có nằm trong khuôn khổ các thỏa thuận hợp tác hay không.”
Bên cạnh đó, Đức và Brazil cũng đang thúc đẩy Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết về bảo vệ quyền tự do cá nhân và dự kiến sẽ sớm trình lên ủy ban nhân quyền thuộc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Rõ ràng, vụ bê bối nghe lén điện thoại bị phanh phui đang gây ra cơn bão ngoại giao giữa Mỹ với các đồng minh, đặt các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trước những thử thách lớn.
Ngay cả chính quyền Mỹ hôm 25/10 cũng phải thừa nhận, việc các cơ quan tình báo Mỹ chặn thu và nghe lén những cuộc điện thoại của các cơ quan chính phủ và nguyên thủ các quốc gia đã và đang gây căng thẳng trong quan hệ của Mỹ với hàng loạt nước, trong đó có cả những đồng minh thân cận.
Hậu quả nhãn tiền của căng thẳng này là nguy cơ tiến trình đàm phán thỏa thuận thương mại giữa châu Âu và Mỹ bị đổ vỡ. Cuộc đàm phán đầu tiên đã diễn ra trong tháng 7 vừa qua; cuộc gặp tiếp theo dự kiến được tiến hành trong tháng 10 song đã bị hủy do tình trạng bế tắc ngân sách ở Mỹ. Theo kế hoạch, đàm phán sẽ được nối lại tháng 12 tới, nhưng đến nay vẫn chưa có thông báo về thời điểm cụ thể.