Ngày 14/10, Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS - tức Ngân hàng trung ương Singapore) thông báo sẽ duy trì chính sách tiền tệ hiện hành, để đồng dollar Singapore được giao dịch theo tỷ giá không công bố, còn gọi là tỷ giá có hiệu lực trên danh nghĩa (NEER).
MAS quyết định duy trì chính sách tiền tệ hiện hành vì cho rằng “chính sách đó được đánh giá là phù hợp, có tính tới yếu tố rủi ro của những bất ổn trong nhu cầu của nước ngoài và sức ép lạm phát trong nước tăng.”
Singapore không nới lỏng chính sách tiền tệ từ tháng 10/2011 để hạn chế người nhập cư từ nước ngoài, yếu tố khiến thị trường lao động trong nước co hẹp, giá nhà và giá ôtô tăng mạnh. Cơ quan này cho rằng “kinh tế sẽ phát triển ở mức độ vừa phải trong những tháng cuối năm và trong năm sau do môi trường bên ngoài tiếp tục cải thiện."
MAS dự đoán Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của “Đảo quốc Sư tử” có thể tăng từ 2,5% đến 3,5% trong cả năm nay và năm tới, vì các ngành liên quan tới xuất khẩu sẽ tăng trưởng nhẹ và các ngành nội địa như xây dựng, y tế và giáo dục không giảm, trong khi đó thị trường việc làm vẫn có đủ nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, MAS cũng cảnh báo rằng có thể xảy ra bất ổn trong thời gian ngắn trong hoạt động xuất khẩu do tác động từ tình trạng bế tắc về ngân sách của Mỹ và sự điều chỉnh thị trường toàn cầu do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm mua tài sản.
Theo MAS, tỷ lệ lạm phát cơ bản (không tính chi phí vận tải tư nhân và chi phí nhà ở) có thể tăng trong vài quý tới vì chi phí kinh doanh tăng, dẫn đến tăng giá tiêu dùng. Tỷ lệ lạm phát trong khoảng 1,5- 2% trong năm 2013 và sẽ tăng lên từ 2- 3% trong năm 2014, chủ yếu do giá mua nhà, thuê nhà và phí sở hữu và lưu thông ô tô liên tục tăng.
Quyết định giữ nguyên lập trường chính sách tiền tệ được MAS đưa ra ngay sau khi Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore công bố ước tính GDP quý 3/2013 của nước này giảm 1% so với quý 2. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, GDP trong quý 3 lại tăng 5,1%.
Tốc độ tăng trưởng trong quý vừa qua giảm một phần do sản xuất tại hai lĩnh vực điện tử công nghiệp và y tế yếu đi trong tháng Bảy và Tám. Dịch vụ tài chính cũng giảm do hoạt động trên thị trường ngoại hối và cổ phiếu giảm mạnh trước lo ngại Mỹ giảm gói kích thích tài chính và nguy cơ tấn công quân sự ở Syria./.