Tổ chức Giải trừ vũ khí hóa học (OPCW) cho biết, sẽ cử một nhóm chuyên gia thứ hai tới để hỗ trợ công tác tiêu hủy vũ khí hóa học tại Syria.
Trong thông báo ra ngày 8/10, Tổng Giám đốc OPCW Ahmet Uzumcu cho biết, tổ chức này sẽ gửi nhóm chuyên gia về giải trừ vũ khí hóa học thứ hai tới hỗ trợ cho nhóm 19 chuyên gia vũ khí của OPCW và 16 chuyên gia an ninh, hậu cần của Liên hợp quốc vốn đã có mặt tại Syria từ ngày 1/10. Theo ông Uzumcu, công tác tiêu hủy số vũ khí hóa học của Syria là quá trình "lâu dài và khó khăn", song OPCW đặc biệt hoan nghênh tinh thần hợp tác và xây dựng ngay ban đầu từ phía chính phủ Syria.
Ông Uzumcu cho biết, hiện một số chuyên gia của OPCW đã trở về trụ sở tại La Hay (Hà Lan) để báo cáo về kết quả của vòng đàm phán giữa các thanh sát viên quốc tế với các quan chức chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad tại Damascus về công tác tiêu hủy vũ khí hóa học. Bên cạnh đó, ông Uzumcu cũng thông báo thêm, OPCW và Liên hợp quốc sẽ sớm ký một thỏa thuận nhằm bảo đảm an ninh và công tác hậu cần cho đội chuyên gia quốc tế làm nhiệm vụ tại Syria.
Trong một tuyên bố chung ra ngày 6/10, Văn phòng báo chí của Liên hợp quốc và OPCW cho biết, công việc của các thanh sát viên quốc tế đang tiến triển tích cực tại Syria và nhận được sự “hợp tác hơn cả trông đợi” từ chính quyền nước sở tại. Theo kế hoạch, vào cuối tháng 10/2013, nhóm chuyên gia tiêu hủy vũ khí hóa học quốc tế này sẽ bắt đầu công tác điều tra tất cả các cơ sở sản xuất vũ khí hóa học tại Syria. Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia này sẽ tiếp tục sứ mệnh giám sát các lực lượng chính phủ Syria thực hiện nhiệm vụ phá hủy các cơ sở sản xuất vũ khí hóa học, các tên lửa và một số thiết bị liên quan khác.
Tuy ông Uzumcu không nêu cụ thể số lượng thanh sát viên sẽ được triển khai tới Syria trong đợt này, song Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, ngày 8/10 cho rằng, sẽ phải cần tới 100 nhà khoa học, nhân viên hậu cần và các chuyên gia an ninh tới tham gia hoạt động thanh sát và giải trừ vũ khí hóa học ở Syria trong khoảng thời gian 1 năm.
Trong báo cáo gửi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 8/10, ông Ban Ki-moon cũng cảnh báo các thanh sát viên quốc tế có nguy cơ sẽ phải đối mặt với những mối nguy hiểm “chưa từng có tiền lệ” ở Syria – đất nước chìm trong bất ổn chính trị từ tháng 3/2011 cho tới nay, vốn đã khiến hơn 115.000 người thiệt mạng. Báo cáo của ông Ban Ki-moon khuyến cáo: “Các chuyên gia quốc tế sẽ phải làm việc trong các điều kiện nguy hiểm và bị khuấy động, đặc biệt ở các khu vực ngoại ô thủ đô Damascus, các thành phố điểm nóng Homs và Aleppo… Các cuộc tấn công bằng pháo hạng nặng, các cuộc không kích… nhằm vào các khu vực dân sự đã trở nên phổ biến và các địa điểm xảy ra giao tranh thường xuyên thay đổi tại Syria”./.