WB cảnh báo Mỹ tiến tới “thời khắc rất nguy hiểm”

08:58, 14/10/2013

Theo hãng AFP, ngày 12/10, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim cảnh báo nước Mỹ đang tiến tới tình thế nguy hiểm trong bối cảnh các chính trị gia tiếp tục bất đồng trong việc giải quyết tình trạng bế tắc liên quan đến ngân sách và trần nợ công.        

Phát biểu tại phiên bế mạc hội nghị thường niên của WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Washington, ông Kim chỉ rõ: "Chúng ta hiện chỉ còn 5 ngày là tới thời điểm rất nguy hiểm. Càng tiến gần đến thời hạn chót, tác động đối với thế giới đang phát triển sẽ càng ghê gớm...

 

Đây có thể là sự kiện mang tính thảm họa không chỉ đối với thế giới đang phát triển, mà còn gây tổn hại cực kỳ to lớn đối với các nền kinh tế phát triển. Tôi hối thúc các nhà hoạch định chính sách Mỹ ngăn chặn cuộc khủng hoảng này".

 

Ông Kim nhận định các nền kinh tế thế giới và Mỹ sẽ đối mặt với tình trạng lãi suất cao hơn, niềm tin sụt giảm và tăng trưởng chậm lại nếu Quốc hội Mỹ không nâng mức trần cho vay nợ 16.700 tỷ USD.

 

Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ cạn tiền mặt để thanh toán mọi khoản chi trả của đất nước vào ngày 17/10 tới nêu không nâng trần nợ công.

 

Ngày 12/10, các nhà lãnh đạo của phe Dân chủ nắm đa số tại Thượng viện Mỹ đã hoan nghênh thiện chí của các đồng nghiệp Đảng Cộng hòa, theo đó bắt đầu các cuộc thương lượng để tìm cách chấm dứt tình trạng đóng cửa công sở liên bang đã bước sang ngày thứ 12, nhưng thừa nhận hai bên vẫn bế tắc trong hàng loạt vấn đề.

 

Thủ lĩnh phe Dân chủ tại Thượng viện, Thượng nghị sỹ Harry Reid hoan nghênh kế hoạch do Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa Susan Collins đề xuất, theo đó cấp ngân sách 6 tháng cho chính phủ mở cửa hoạt động trở lại và gia hạn quyền vay nợ cho Bộ Tài chính đến hết ngày 31/1/2014, nhưng cho rằng đề xuất đó vẫn chưa đáp ứng được yêu sách của phe Dân chủ.

 

Cuộc đấu đá quyền lực dẫn tới kéo dài tình trạng đóng cửa công sở liên bang ngày càng nhận được thêm sự phản đối từ phía dân chúng Mỹ.

 

Kết quả thăm dò chung của NBC News/Wall Street Journal cho biết ở thời điểm hiện tại có tới 60% những người Mỹ được hỏi ý kiến nói rằng, nếu được phép, họ sẽ thay thế toàn bộ lưỡng viện Quốc hội khóa 113 hiện nay./.