Sắn là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Campuchia trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong 8 tháng năm 2013, xuất khẩu mặt hàng này của Campuchia giảm mạnh.
Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Campuchia, trong 8 tháng năm nay, nước này đã xuất khẩu được 288.300 tấn sắn khô và tươi với kim ngạch đạt 15,2 triệu USD, giảm 56% so với mức 34,5 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.
Ông Som Yen, Giám đốc Công ty thương mại Malai nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Banteay Meanchey cho biết, tình trạng xuất khẩu sắn giảm mạnh trong thời gian qua cộng với tình trạng bất ổn của thị trường sắn trong nước đã khiến nhiều nông dân bỏ trồng sắn để chuyển sang trồng ngô.
Ông Som Yen cho rằng, hiện nay, mặt hàng sắn của Campuchia đang phụ thuộc vào thị trường các nước láng giềng như Thái Lan và Việt Nam. Mức giá cũng dao động bất thường, tùy thuộc vào khối lượng mua của khách hàng, khiến nông dân chán nản, không muốn trồng loại cây này nữa.
Thái Lan là thị trường tiêu thụ sắn lớn nhất của Campuchia, tiếp theo là Việt Nam và Trung Quốc, những nơi sắn nguyên liệu được chế biến thành các sản phẩm khác.
Theo các quan chức Campuchia tại các tỉnh biên giới với Thái Lan, sự hạn chế đối với hoạt động nhập khẩu nông sản của Thái Lan từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng mạnh làm giảm sản lượng xuất khẩu sắn của Campuchia trong mùa thu hoạch năm nay.
Phó Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Battambang (Campuchia), ông Long Thorn cho biết, nông dân Campuchia trồng sắn trong khu vực đã bị ảnh hưởng nặng nề do giảm cầu sau khi có chính sách của Thái Lan hạn chế nhập khẩu sắn của Campuchia để bảo vệ ngành trồng sắn nội địa. Chính sách của Thái Lan là cấm nhập khẩu sắn từ Campuchia trong mùa thu hoạch nên thương nhân Thái Lan chỉ sang Campuchia mua sắn khi nguồn cung tại Thái Lan không đủ.
Các chuyên gia nông nghiệp Campuchia cho rằng, để giảm sự phụ thuộc vào nguồn tiêu thụ nước ngoài thì nước này phải thiết lập được các cơ sở chế biến sắn trong nội địa./.