Trong thời gian hơn nửa thế kỷ Mỹ thực hiện chính sách thù địch Cu Ba, Liên Hợp quốc đã 22 lần bỏ phiếu yêu cầu Mỹ chấm dứt cấm vận nước này. Lần gần đây nhất là ngày 25-10-2013, với 186 phiếu thuận, 3 phiếu trắng, 2 phiếu chống (của Mỹ và Islael), một lần nữa cộng đồng thế giới bầy tỏ thái độ phê phán lệnh áp đặt của Mỹ, hậu thuẫn cho phía Cu Ba, đòi Mỹ xoá bỏ cấm vận.
Dư luận nhiều nước bất bình với Mỹ, họ cho rằng cấm vận Cu Ba là việc làm lỗi thời, vi phạm các nguyên tắc, quy định của luật pháp quốc tế và là một việc làm phi nhân đạo. Bởi chính sách cấm vận của Mỹ mấy thập niên qua đã làm cho Cu Ba thiệt hại tổng cộng khoảng gần 1 nghìn tỷ USD. Chẳng những Mỹ cấm vận trực tiếp mà còn gián tiếp cấm vận qua nước thứ ba, bất cứ một loại hàng hoá, dịch vụ nào của Mỹ cũng không thể thông qua nước thứ ba để vào thị trường Cu Ba (hoặc ngược lại).
Trong những quy định liên quan đến cấm vận của Mỹ (tuỳ theo từng đạo luật riêng) còn có các chế tài không chỉ cấm riêng đối với các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp nước Mỹ mà họ còn cấm cả các nước đang là đối tác của Mỹ cũng phải thực hiện các điều khoản cấm vận theo quy định của Mỹ, nếu không sẽ bị Mỹ trừng phạt. Đó là một việc làm mang tính áp đặt của nước lớn nhằm chống lại một cách toàn diện các nước không theo Mỹ, hoặc muốn ly khai khỏi ảnh hưởng của Mỹ.
So với người tiền nhiệm, Tổng thống Ôbama đã có những dấu hiệu cải thiện quan hệ tích cực hơn giữa Mỹ và Cu Ba, như cho tăng hạn mức chuyển ngoại tệ của người Cu Ba định cư ở Mỹ đưa về nước, hoặc nới lỏng, tăng lượng khách du lịch Mỹ đến Cu Ba, thậm chí có thể cho thân nhân hai bên được qua lại thăm nhau, nhưng những quy định đó hết sức nghiêm ngặt.
Cu Ba là nước nghèo, kinh tế kém phát triển, vì hai lý do chính: một là do cấm vận của Mỹ, hai là vì duy trì quá lâu nền kinh tế kế hoạch hoá, bao cấp, không giải phóng được sức sản xuất. Từ năm 2008 đến nay, Cu Ba mới bắt đầu điều chỉnh chính sách kinh tế như giao đất cho hộ nông dân sản xuất, cho nông dân được tự do mua bán sản phẩm, cho tiểu thương, người lao động được kinh doanh các dịch vụ bán lẻ…
Đặc biệt, mới đây ngày 20-9 đã đánh dấu một dấu mốc quan trọng đó là lần đầu tiên Cu Ba xây dựng đặc khu kinh tế với mục đích thu hút đầu tư nước ngoài. Vùng kinh tế đặc biệt này có diện tích khoảng 500km2, ở khu cảng biển Mariel, vốn đầu tư gần 1 tỷ USD, đây là cảng ngoại thương cửa ngõ chính của Cu Ba với thế giới. Cu Ba đã xây dựng những cơ chế đặc thù riêng để thu hút vốn nước ngoài như ưu tiên giảm thuế, miễn thuế theo hạn định, tạo môi trường pháp lý thông thoáng cho nhà đầu tư. Khi đi vào hoạt động khu kinh tế này sẽ thu hút hàng chục nghìn lao động và chắc chắn sẽ tạo ra bước đột phá cho kinh tế mở cửa hội nhập với thế giới.
Cu Ba có hơn 114 nghìn km2, dân số trên 10 triệu người, vẫn là một nước nghèo, GDP bình quân đầu người khoảng trên 3.000 USD/ năm. Trong cơ cấu kinh tế tỷ trọng nông nghiệp chiếm trên 20%, công nghiệp trên 15%, còn lại là dịch vụ, du lịch (có ưu thế về du lịch rất lớn) là nước giàu tài nguyên, khoáng sản (trữ lượng Nikel đứng thứ 4 thế giới), ngoài ra còn có đồng, sắt, dầu lửa… Có đất đai phì nhiêu, màu mỡ với thế mạnh về sản xuất mía đường, cà phê, thuốc lá, cây ăn quả… Tuy nhiên, do những yếu tố về cấm vận và cơ chế kế hoạch hoá cứng nhắc, chậm đổi mới đã làm cho Cu Ba thiếu vốn, thiếu kỹ thuật và thiếu tính năng động, nên những lợi thế, tiềm năng kinh tế công, nông nghiệp, dịch vụ chưa được khai thác hiệu quả.