Việc làm chưa có trong tiền lệ

09:34, 21/11/2013

(TN) - Tuy nhậm chức Thủ tướng chưa được một năm nhưng ông Shinzo Abe đã thực hiện một loạt các hoạt động ngoại giao chưa có trong tiền lệ của một nguyên thủ quốc gia Nhật Bản là ông đã thăm tất cả 10 nước Đông Nam Á - ASEAN (mở đầu là chuyến công du tháng 1-2013 thăm các nước Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và mới đây là thăm Lào, Campuchia trong hai ngày 16 và 17-11).

Việc làm đó chứng tỏ Đông Nam Á là một đối tác rất quan trọng của Nhật. Trong các cuộc hội đàm với nguyên thủ các nước, Nhật Bản đều bày tỏ tiếp tục nâng tầm quan hệ hợp tác hữu nghị và coi các nước ASEAN là đối tác chiến lược lâu dài trên tất cả các bình diện kinh tế, chính trị, ngoại giao, khoa học kỹ thuật, văn hoá, đặc biệt là bày tỏ quan điểm và sự đồng thuận trong việc giải quyết các vấn đề về an ninh khu vực nói chung và vấn đề tự do an ninh hàng hải ở biển Đông nói riêng trong bối cảnh biển Đông đang có những vấn đề nhạy cảm diễn biến phức tạp về tranh chấp chủ quyền biển, đảo.

 

Ngoài mục đích củng cố quan hệ song phương với từng đối tác trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á, việc Thủ tướng Nhật thăm 10 nước ASEAN cũng là một hoạt động ngoại giao nhằm chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị thượng đỉnh ASEAN  - Nhật Bản được tổ chức tại Tokyo giữa tháng 12 tới (đây cũng là dịp Kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Hiệp hội các nước Đông Nam Á). Hội nghị lần này nhằm mục tiêu nâng tầm quan hệ, đặc biệt là nỗ lực hoàn tất Hiệp định thương mại, dịch vụ, đầu tư, làm tiền đề, cơ sở xây dựng đối tác kinh tế toàn diện.

 

Trong những thập niên qua, quan hệ giữa Nhật và Khối các nước Đông Nam Á ngày càng thắt chặt về mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật. Nhật cũng có nhiều đóng góp tài chính cho sự phát triển của cộng đồng ASEAN, đặc biệt là giúp vốn ODA, viện trợ không hoàn lại, xoá nợ cho nhiều quốc gia Đông Nam Á.

 

 

Nhật là đối tác rất quan trọng của ASEAN và ngược lại (đối tác thương mại lớn thứ 2 của Khối), kim ngạch thương mại song phương đạt gần 300 tỷ USD/năm. Năm 2011, Nhật đầu tư vào các nước trong Khối đạt trên 15 tỷ USD.  Cho Việt Nam vay vốn ODA nhiều nhất trong 20 năm qua, riêng trong năm 2012 đạt khoảng 1,4 tỷ USD. Myanma vừa mở cửa hội nhập quốc tế trong năm 2012, Nhật đã đầu tư hàng chục tỷ USD và hào phóng xoá khoản nợ của quốc gia này trị giá 3,6 tỷ USD, đồng thời còn cung cấp vốn ưu đãi hàng tỷ USD cho Myanma phát triển hạ tầng và cải cách kinh tế - xã hội.

 

Nhật Bản là một cường quốc kinh tế, GDP đứng thứ 3 thế giới với khoảng 6.000 tỷ USD, là một trong những nước đứng đầu về tiềm lực khoa học, kỹ thuật, công nghệ và có các ngành công nghiệp nổi tiếng như điện tử, ô tô, hoá chất… với các sản phẩm có thương hiệu cạnh tranh hàng đầu trên thế giới. Trong mấy thập niên qua Nhật được coi là một trụ cột kinh tế thế giới - một trong ba cực kinh tế cùng với Mỹ và Tây Âu.

 

Quan hệ giữa Nhật Bản và ASEAN gắn kết chặt chẽ vì lợi ích chung. Nhật là nước nghèo tài nguyên, cần nguồn nguyên vật liệu, khoáng sản từ khu vực Đông Nam Á để phụ vụ cho sản xuất và đời sống. Nhật có ưu thế mạnh về vốn, kỹ thuật, công nghệ mà hầu hết các nước trong Khối ASEAN rất cần Nhật trợ giúp. Đặc biệt mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hai bên sẽ góp phần duy trì hoà bình và ổn định khu vực và thế giới.