Ngày 4/12, Nhật Bản đã chính thức thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) theo kiểu Mỹ nhằm đẩy nhanh việc ra các quyết sách liên quan đến quốc phòng để đối phó với các thách thức an ninh trong bối cảnh tình hình khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp.
Trung Quốc vừa tuyên bố thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, làm dấy lên quan ngại về những tình huống bất trắc có thể xảy ra giữa lúc Tokyo và Bắc Kinh đang xảy ra tranh cãi liên quan đến chủ quyền đối với quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và tuyên bố chủ quyền.
Với trọng tâm chính là ngoại giao, NSC phiên bản Nhật có thể sẽ tính đến việc thiết lập chương trình nghị sự quốc phòng mà Tokyo dự kiến thông qua từ nay đến cuối năm, bao gồm cả chương trình quốc phòng mới và một chiến lược an ninh có tính bao quát hơn.
Việc khởi động NSC được coi là một trong những trụ cột chính của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm chỉnh đốn lại thế trận quốc phòng của Nhật Bản và tăng cường các năng lực quốc phòng của Lực lượng phòng vệ (SDF).
NSC ra đời để tăng cường vai trò lãnh đạo của Văn phòng Thủ tướng trong chỉ đạo chính sách đối ngoại và quốc phòng.
Trụ sở chính của NSC - dự kiến sẽ được thành lập bên trong Ban Thư ký Nội các vào đầu năm 2014 - sẽ thu thập thông tin từ các bộ và các cơ quan nhằm tránh chủ nghĩa cục bộ trong hoạt động phân tích thông tin.
Văn phòng NSC sẽ bao gồm khoảng 60 quan chức, được phái cử chủ yếu từ Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng.
Dự kiến Cố vấn Chính sách đối ngoại của Thủ tướng Abe, ông Shotaro Yachi, sẽ đảm nhiệm vị trí người đứng đầu cơ quan này.
Ông Abe từng khẳng định NSC sẽ thảo luận về các vấn đề có vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia như quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và việc bố trí các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản.
Về khuôn khổ hoạt động của NSC, Thủ tướng, Chánh Văn phòng Nội các, các bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng sẽ nhóm họp định kỳ hai lần trong tháng để quyết định về đề cương cơ bản cho chính sách an ninh.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng đang vận động thông qua dự luật siết chặt trừng phạt đối với những đối tượng làm rò rỉ bí mật quốc gia - bao gồm các thông tin liên quan đến ngoại giao, quốc phòng, chống khủng bố và phản gián - nhằm tạo điều kiện chia sẻ thông tin với chính phủ các nước.
Tuy nhiên, những người phản đối dự luật này cho rằng đạo luật trên sẽ làm xói mòn quyền được biết của công chúng cũng như quyền tự do báo chí dưới tên gọi là bảo vệ “các bí mật đặc biệt” vốn được định nghĩa một cách khá mơ hồ.