Với chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử vòng hai, bà Michelle Bachelet đã chính thức trở thành Tổng thống mới của Chile. Từng lãnh đạo đất nước Chile trong các năm từ 2006 đến 2010, bà Bachelet bước vào nhiệm kỳ hai với sự ủng hộ và kỳ vọng khá lớn từ người dân Chile. Bằng những cam kết thiết thực, bà Bachelet muốn tạo ra những thay đổi tích cực cho quốc gia Nam Mỹ này, tuy nhiên, hoàn thành được hết những cam kết đó không phải là việc có thể thực hiện trong một sớm một chiều.
Khi được bầu làm Tổng thống Chile vào tháng 1-2006, bà Michelle Bachelet đã cam kết sẽ trở thành một chính trị gia khác biệt. Trong suốt nhiệm kỳ kéo dài bốn năm của mình, sự ủng hộ của công chúng đối với bà Bachelet phần lớn là nhờ cách mà bà lèo lái nền kinh tế Chile vượt qua khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Nhờ uy tín cá nhân và quản lý kinh tế vĩ mô thành công, bà Bachelet đã hoàn thành nhiệm kỳ bốn năm của mình với sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng trong nước và khẳng định được thanh thế trên trường quốc tế. Nhiệm kỳ 2006-2010 của bà đã rất thành công ở nhiều khía cạnh với bằng chứng là một cuộc khảo sát của công ty thăm dò dư luận Chile Adimark vào tháng 12-2010 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ bà Bachelet ở mức cao “không tưởng” là 81%. Tuy nhiên, do Hiến pháp Chile quy định một Tổng thống không thể tranh cử hai nhiệm kỳ liên tiếp nên bà Bachelet buộc phải rời nhiệm sở.
Bước vào cuộc chạy đua ghế Tổng thống lần hai, bà Bachelet có được lợi thế lớn nhờ những thành tựu mà bà đạt được trong nhiệm kỳ 2006-2010. Cương lĩnh tranh cử của bà trong lần tranh cử này chú trọng vào những vấn đề nóng bỏng, hướng đến việc giải quyết những nhu cầu bức thiết của công chúng Chile hiện nay, trong đó có ba trụ cột chính là: cải cách giáo dục, cải cách hệ thống thuế và hiến pháp. Những cam kết khác của bà Bachelet trong nhiệm kỳ hai này còn liên quan đến: chính sách bảo vệ động vật, sử dụng nguồn nước, chính sách năng lượng và khai khoáng, đưa ra dự luật hôn nhân đồng tính và cho phép nạo phá thai trong một số trường hợp đặc biệt (nạo phá thai vốn là hoạt động bị cấm hoàn toàn tại Chile),... Có thể nói, kế hoạch điều hành đất nước của bà Bachelet khá thấu đáo, tuy nhiên, để có thể hiện thực hóa toàn bộ kế hoạch này không phải là điều dễ dàng.
Chile vốn thường được đánh giá như là một mô hình kinh tế kiểu mẫu cho các quốc gia và thị trường mới nổi tại khu vực Mỹ Latinh. Năm 2010, Chile đã trở thành quốc gia Mỹ Latinh duy nhất gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) - nhóm bao gồm 34 nền kinh tế mạnh nhất thế giới.
Chile có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trung bình hằng năm ở mức cao và ổn định vào khoảng 5,5%, phần lớn nhờ lợi nhuận từ xuất khẩu đồng cùng với tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp đều ở mức thấp. Nỗ lực tái thiết sau trận động đất năm 2010 đã mang lại đầu tư đáng kể vào Chile trong khi đó ngành công nghiệp khai khoáng mũi nhọn của Chile vẫn thu hút các hợp đồng đầu tư và mang lại nguồn thu khá lớn. Tuy nhiên, vẫn có một vài thách thức trước mắt đối với nền kinh tế Chile, đặc biệt là việc tìm cách duy trì sự cạnh tranh cho ngành công nghiệp khai khoáng, việc tăng chi phí nhân công và năng lượng đã phần nào gây khó khăn cho ngành công nghiệp này. Nếu duy trì tốt hệ thống luật pháp và tình hình chính trị ổn định, Chile sẽ vẫn tiếp tục thu hút được các hợp đồng đầu tư khai khoáng lớn, tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chile nên đa dạng nền kinh tế và bớt phụ thuộc vào ngành công nghiệp này để hướng tới mô hình phát triển kinh tế bền vững hơn.
Mặc dù nền kinh tế Chile khá phát triển nhưng trong vài năm trở lại đây, xã hội Chile đang xuất hiện sự chênh lệch, bất bình đẳng giữa các tầng lớp. Điều đó thể hiện rõ nhất qua những số liệu cho thấy sự chênh lệch thu nhập rõ rệt giữa nhóm những người giàu nhất và những người nghèo nhất tại Chile, hay sự bất mãn với hệ thống giáo dục đắt đỏ khiến việc tiếp cận được các trường học chất lượng vượt quá tầm tay của nhiều người, và kết quả là hàng nghìn sinh viên đã xuống đường biểu tình phản đối hệ thống giáo dục trong năm 2011. Chính phủ của Tổng thống đương nhiệm Sebastian Pinera đã thực hiện khá tốt các giải pháp để hạ nhiệt tình trạng bất ổn tại thời điểm đó. Tuy nhiên, cải cách giáo dục vẫn là một trong những vấn đề quan trọng đối với Chile và là thách thức hàng đầu đối với bà Bachelet trong nhiệm kỳ tới.
Phong trào phản đối hệ thống giáo dục tại Chile bắt đầu từ khi các học sinh trung học phổ thông khởi xướng phong trào “pinguinos” vào năm 2006 trong nhiệm kỳ đầu tiên của bà Bachelet, kêu gọi sự công bằng hơn trong các trường học tại Chile. Năm 2011, giáo dục đã được đặt vào vị trí trung tâm của hoạt động chính trị tại Chile khi những cuộc biểu tình của sinh viên diễn ra liên tục và làm rung chuyển Thủ đô Santiago của nước này với những đoàn diễu hành lên tới hơn 100 nghìn người. Một trong những yêu sách chính của các cuộc biểu tình do sinh viên phát động là miễn phí giáo dục đại học – một trong những tiêu chí mà bà Bachelet đã cam kết trong cương lĩnh tranh cử của mình.
Cương lĩnh tranh cử của bà Bachelet miêu tả cải cách giáo dục là “một thách thức căn bản” và cam kết chính sách miễn phí giáo dục đại học công có thể được thực hiện trong vòng sáu năm kể từ ngay sau ngày bà Bachelet nhậm chức. Một phần nguồn ngân sách hỗ trợ chính sách miễn phí giáo dục sẽ có được từ chính sách thuế mới. Trong cương lĩnh tranh cử của mình, bà Bachelet cam kết sẽ đệ trình lên Quốc hội Chile một dự luật về một hệ thống thuế mới trong vòng 100 ngày đầu tiên cầm quyền. Kế hoạch của bà Bachelet cam kết tăng thuế doanh nghiệp từ 20% lên 25% trong vòng bốn năm giúp tăng ngân sách khoảng 3% GDP (tương đương 8,2 tỷ USD), phần lớn số tiền này sẽ được đầu tư cho giáo dục. Đồng thời, bà Bachelet cũng cam kết giảm tỷ lệ đánh thuế cá nhân tối đa từ 40% xuống còn 35%.
Tuy nhiên, một số ý kiến tỏ ra hoài nghi về hiệu quả kế hoạch cải cách giáo dục của bà Bachelet. Bởi lẽ, các ông chủ doanh nghiệp sẽ không dễ dàng chấp nhận việc tăng thuế và sẽ tìm cách làm trì hoãn thực thi chính sách này. Hơn nữa, trong cương lĩnh tranh cử của mình, bà Bachelet chưa nêu cụ thể những giải pháp mà chính phủ của bà sẽ thực hiện để theo đuổi những cải cách này, và thực tế, trong nhiệm kỳ 2006-2010, chính phủ của bà Bachelet cũng chưa thực sự thành công trong việc cải thiện hệ thống giáo dục tại Chile.
Điều quan trọng hơn cả, dù muốn thực hiện bất kỳ cải cách nào, bà Bachelet đều phải giành được số phiếu ủng hộ cần thiết tại Quốc hội. Theo Luật bầu cử Chile, cần phải có ít nhất 57% số phiếu ủng hộ tại Quốc hội để có thể thông qua dự luật cải cách giáo dục, 60% số phiếu ủng hộ để cải cách hệ thống bầu cử và gần 67% số phiếu ủng hộ để thay đổi Hiến pháp. Trong khi đó, trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11, liên minh “Đa số mới” của bà Bachelet giành được 68/120 (56,67%) ghế tại Hạ viện và 21/38 (55,2%) ghế tại Thượng viện. Như vậy, để có thể hoàn thành bất cứ cam kết nào, bà Bachelet sẽ không những cần phải có một liên minh thống nhất mà còn cần sự ủng hộ của các nhóm cánh hữu, những người được nhận thấy là không có lợi ích trong việc tăng thuế hay thay đổi các chính sách tài khóa. Đây cũng được xem là một trong những thách thức lớn nhất của bà Bachelet trong nhiệm kỳ tới.
Nhìn một cách tổng thể, những khó khăn của bà Bachelet phần nào phản chiếu tình hình kinh tế, chính trị và xã hội tại Chile. Đất nước vẫn duy trì như là một hình mẫu về ổn định và tăng trưởng kinh tế nhưng cũng có tỷ lệ bất bình đẳng cao và chưa thành công trong việc cải thiện hệ thống giáo dục - một yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống lại đói nghèo và bất bình đẳng. Liệu chính phủ của bà Bachelet có thể cung cấp giáo dục miễn phí cho bậc đại học, đánh thuế cao ở mức cần thiết để phục vụ cho ngành giáo dục và thực hiện những điều chỉnh khác mà không ảnh hưởng đến “sự phát triển thần kỳ” của nền kinh tế Chile hay không, điều đó phụ thuộc phần lớn vào khả năng điều hành đất nước của bà Bachalet trong bốn năm tới.