Nhìn lại năm 2012 và những dự cảm năm 2013

15:11, 31/12/2013

Đến thời điểm này, năm 2012 đã đi vào lịch sử với những sự kiện lớn, tạo nên những gam màu sáng tối đan xen, gợi ấn tượng khó quên về một giai đoạn đầy thử thách cam go trong nền chính trị toàn cầu.

Năm 2012 đánh dấu cột mốc 5 năm bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu ở Mỹ - nước phát triển hàng đầu thế giới; EU lún sâu vào cuộc khủng hoảng nợ công; Hoa Kỳ chính thức chuyển trọng tâm chiến lược toàn cầu tới châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD); các cuộc chuyển giao quyền lực có ảnh hướng thay đổi thế giới ở Nga, Mỹ,  Trung Quốc; Bắc Phi - Trung Đông trở thành nơi thử thách quyết liệt nền chính trị toàn cầu.

 

Năm 2012 đầy thử thách cam go

 

Năm 2012 đánh dấu 5 năm bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu (gọi tắt cuộc là khủng hoảng) từ Mỹ vào năm 2007, đã tác động sâu sắc tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, chính trị, quân sự, khoa học - công nghệ và giáo dục trên khắp thế giới. Cuộc khủng hoảng này đặt dấu hỏi nghi vấn về mô hình kinh tế thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản, có thể làm sụp đổ cơ cấu kinh tế và chính trị của xã hội hiện đại.

 

Cũng trong năm qua, EU nói chung và Erozone nói riêng lún sâu vào cuộc khủng hoảng nợ công dưới tác động phản ứng dây chuyển bùng phát từ Hy Lạp. Riêng trong năm 2012, lãnh đạo EU đã có gần 10 cuộc hội nghị thượng đỉnh với các quyết định gây nhiều tranh cãi nhưng vẫn chưa giúp các nước thành viên tìm ra lối thoát, với kết quả duy nhất là thành lập cơ quan giám sát ngân hàng tất cả các nước thành viên.

 

Trong năm 2012, làn sóng nợ công đã lan tỏa sang Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và các nước khác trong EU, giống như một thứ khối u đã di căn sang lĩnh vực xã hội, chính trị và văn hóa... Đặc biệt, trong năm 2012, tình hình Trung Đông chứng kiến những biến động đặt ra những thách thức nghiệt ngã. Đó là, cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria diễn biến nhanh, kịch tính và cực kỳ phức tạp...

 

Năm 2012 bầu không khí chính trị Trung Đông nóng lên đến cao độ liên quan tới nguy cơ chiến tranh ở Vùng Vịnh sau khi Mỹ quyết định đơn phương tăng cường áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Iran. Tuy nhiên, năm 2012 ở Trung Đông lóe lên điểm sáng đáng chú ý là Palestin được công nhận nhà nước - quan sát viên tại LHQ nhưng không vì thế mà xung đột với Israel hạ nhiệt.

 

Các ông Obama, Putin, Tập Cận Bình và bà Park Geun-hye sẽ có ảnh hưởng như thế nào đối với thế giới năm 2013?

 

Năm châu Á - Thái Bình Dương "dậy sóng"

 

Châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD) thực sự "dậy sóng" trong năm 2012, mở đầu bằng tuyên bố chính thức của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào ngày 4/1/2012 về chủ trương của Mỹ sẽ "trở lại châu Á".

 

Ngay sau tuyên bố đó là hàng loạt hành động ngoại giao, kinh tế và quân sự của Mỹ hướng tới các nước đồng minh và đối tác trong khu vực này trong suốt cả năm 2012, trong đó đáng chú ý nhất là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ Barack Obama sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ 2 tới 3 nước châu Á là Thái Lan, Myanmar và Campuchia và cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới mang tên "Vành đai Thái Bình Dương - 2012" do Mỹ chỉ huy với sự tham gia của 22 nước trong và ngoài khu vực. 

 

Năm 2012 còn chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng liên quan tới CA-TBD. Đó là, Diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực CA-TBD (APEC) được tổ chức tại Vladivostok (Nga) trong bối cảnh Nga vừa chính thức gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO); Nga và Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận hải quân lớn nhất từ trước tới nay ở Đông Bắc Á; Chính phủ Australia công bố kế hoạch "Sách trắng Australia trong Thế kỷ châu Á" nhằm đưa quốc gia này vào nhóm 10 nước giàu có nhất thế giới vào năm 2025.

 

Năm 2012 diễn ra Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 9 (ASEM-9) tại Thủ đô Viêng Chăn của Lào, minh chứng về "cuộc hành trình" của "lục địa già" tới châu Á - nơi được mệnh danh là "lục địa trẻ" với nghĩa tại đây tập trung đa số các nền kinh tế mới nổi đang tạo nên đầu tàu cho sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.

 

Các cuộc chuyển giao quyền lực quan trọng

 

Trong năm 2012 diễn ra các cuộc chuyển giao quyền lực ở một số nước có ảnh hưởng lớn tới thế giới. Đó là cuộc bầu cử tổng thống ở Nga, Mỹ và Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc; cuộc bầu cử người lãnh đạo cao nhất ở Venezuela (mô hình "chủ nghĩa xã hội thế kỳ 21"), Myanmar (một trong những "điểm huyệt địa - chính trị" ở châu Á), ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

 

Với thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống Nga ngày 4/3/2012, V.Putin trở thành hiện tượng chính trị chưa từng có trong lịch sử nước Nga bởi ông đã có công vực dậy nước Nga từ "đống đổ nát" sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, nay lại tiếp tục đưa nước Nga phát triển thành cường quốc mới của thế giới. Cuộc bầu cử tổng thống đầy kịch tính đến phút chót ở Mỹ ngày 6/11/2012 đưa đương kim Tổng thống Barack Obama tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Với lời hiệu triệu đưa nước Mỹ "tiến về phía trước" ("Forward") trong nhiệm kỳ tới, liệu ông Barack Obama có thể "thay đổi" nước Mỹ và thế giới hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn và sẽ có tác động không nhỏ tới cục diện chính trị quốc tế. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra từ ngày 8/11 đến ngày 14/11/2012 là đại hội chuyển giao thế hệ lãnh đạo Trung Quốc sau 10 năm kể từ thế hệ lãnh đạo thứ 4.

 

Dự cảm về năm 2013 ít hy vọng, nhiều bất trắc

 

Năm 2013 sẽ là năm mở đầu giai đoạn thế giới sẽ trải qua những sự kiện có tính bước ngoặt, trong đó nhân loại sẽ bước vào kỷ nguyên những thay đổi căn bản dưới tác động của những điều chỉnh chiến lược của 3 nước lớn sau khi V. Putin trở lại cầm quyền ở Nga, sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo ở Trung Quốc và sự kế tục nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong năm tới, 3 nước này sẽ triển khai điều chỉnh chiến lược phát triển đất nước và chắc chắn sẽ có tác động lớn tới tình hình quốc tế nhiều năm tới.

 

Ở Mỹ, trong năm 2013, Tổng thống Barack Obama sẽ phải vượt qua một nghịch lý có tầm vóc thời đại... Năm 2013 sẽ là thử thách đối với chiến lược phát triển nước Nga đến năm 2020 Tổng thống V. Putin và lần đầu tiên nước Nga đảm nhiệm vai trò Chủ tịch G-20 với hy vọng sẽ đề xuất sáng kiến giúp thế giới vượt qua khủng hoảng. Ở  Trung Quốc, năm 2013 sẽ mở đầu giai đoạn được nhận định là "thời cơ lịch sử mới" với sự điều chỉnh chiến lược lớn hướng trọng tâm vào thị trường trong nước...

 

Ở Bắc Phi và Trung Đông, các biến động chính trị - xã hội mang tên "mùa xuân Arab" sẽ trải qua giai đoạn có tính bước ngoặt trong việc hóa giải cuộc xung đột ở Syria, liên quan chặt chẽ với tình hình Iran và quan hệ Palestin - Israel. Đó sẽ là "ranh giới đỏ" mà sau đó sẽ bộc lộ toàn bộ những toan tính của các nước lớn, trước hết là Mỹ trong chiến lược toàn cầu của Washington ở Trung Đông.

 

Năm 2013 sẽ chứng kiến giai đoạn mới của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế ở Mỹ và EU, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, chính trị và an ninh của thế giới. Mỹ và Anh đã soạn thảo kế hoạch phối hợp hành động để sẵn sàng ứng phó trước sự sụp đổ của 16 ngân hàng lớn nhất thế giới có giá trị toàn cầu ở 2 quốc gia này. Sự phá sản này sẽ tác động tới toàn bộ nền kinh tế thế giới trong năm 2013.

 

Năm 2013, lực lượng bảo đảm an ninh quốc tế sẽ bắt đầu rút khỏi Afghanistan và sẽ kết thúc sự hiện diện tại đây vào năm 2014 trong bối cảnh Taliban sẽ trở lại chính trường ở Cabul. Trong năm 2013 sẽ chứng kiến những diễn biến mới đầy kịch tính ở Đông Bắc Á, nơi cả 4 nước khu vực này là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên đều có ban lãnh đạo mới, với những điều chỉnh chiến lược ẩn chứa những yếu tố bất định, khó dự báo trước.