Ngày 14/1, người dân Ai Cập bắt đầu tiến hành bỏ phiếu về bản hiến pháp mới của quốc gia này. Đây được xem là một sự kiện quan trọng trong quá trình chuyển đổi chính trị của Ai Cập sau khi cựu Tổng thống Mohamed Morsi bị lật đổ hồi tháng 7/2013.
Cuộc trưng cầu dân ý kéo dài 2 ngày đã bắt đầu vào 09h00 giờ địa phương (07h00 GMT) và kết thúc vào 21h00.
Hiến pháp mới sẽ thay thế cho hiến pháp được thông qua dưới thời của cựu Tổng thống Mohamed Morsi. Hiến pháp mới đã được soạn thảo bởi một ủy ban gồm 50 thành viên trong đó có hai đại diện của các đảng Hồi giáo. Với tổng cộng 247 điều khoản, bản hiến pháp mới được dư luận đánh giá là bảo đảm tốt hơn các quyền cơ bản của người dân và sự phân quyền giữa các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp của Ai Cập. Thêm vào đó, các nhà chức trách Ai Cập cũng như dư luận quốc tế cũng cho rằng đây là một bước quan trọng trên con đường dẫn tới sự ổn định tại quốc gia này.
Ủy ban Bầu cử Trung ương Ai Cập cho biết gần 53,5 triệu người trong tổng số 85 triệu dân nước này đủ tư cách đi bầu cử, tăng hơn 1,5 triệu cử tri so với cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp tổ chức hồi tháng 12/2012.
Tuy nhiên, trước đó, Tổ chức Anh em Hồi giáo, hiện bị chính phủ tạm quyền xem như một nhóm khủng bố, đã kêu gọi người dân tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý này. Không những thế, cuộc trưng cầu dân ý lần này còn diễn ra trong bối cảnh gia tăng bất ổn an ninh với hàng loạt vụ tấn công của các lực lượng Hồi giáo cực đoan nhằm vào lực lượng an ninh, cũng như các cuộc biểu tình bạo lực diễn ra hầu như hàng ngày kể từ khi quân đội ra lệnh phế truất Tổng thống Mohamed Morsi thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo. Hàng loạt các cuộc biểu tình chống chính phủ của tổ chức Anh em Hồi giáo đã xảy ra, khiến nhiều người thiệt mạng.
Chính vì vậy, giới chức trách Ai Cập đã triển khai một chiến dịch an ninh lớn chưa từng có nhằm bảo vệ các địa điểm bỏ phiếu và cử tri trước nguy cơ các phần tử Hồi giáo cực đoan tấn công cũng như các hoạt động biểu tình phá rối của lực lượng Hồi giáo ủng hộ ông Morsi. Chính phủ Ai Cập đã huy động một lực lượng gồm 160.000 binh sỹ và 200.000 cảnh sát để bảo vệ các điểm bầu cử trong hôm nay và ngày mai.
Khoảng 14.000 thẩm phán, gần 7.000 quan sát viên của 59 tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước và 7 tổ chức quốc tế như Liên đoàn Arập và Liên minh châu Âu tham gia giám sát quá trình bỏ phiếu.
Đây là cuộc trưng cầu dân ý thứ 6 diễn ra trên khắp Ai Cập kể từ khi chế độ của cựu Tổng thống Hosni Mubarak sụp đổ trong cuộc nổi dậy năm 2011./.