Tiến trình bầu cử Hạ viện tại Thái Lan có nguy cơ bế tắc

15:22, 02/01/2014

Ngày 2/1, đại diện Ủy ban bầu cử Thái Lan dự kiến gặp đại diện của Chính phủ tạm quyền, lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập và lãnh đạo nhóm biểu tình do cựu Thủ tướng Suthep đứng đầu nhằm tìm kiếm giải pháp giảm bớt căng thẳng chính trị - xã hội, tạo thuận lợi cho tiến trình bầu cử Hạ viện.

Ủy ban bầu cử Thái Lan nhận đóng vai trò trung gian để các phe phái đối thoại là  động thái cần thiết, vì trên thực tế, tiến trình bầu cử Hạ viện đang gặp nhiều trở ngại.

 

Theo công bố của Ủy ban bầu cử, kể từ ngày 28/12 vừa qua đến 1/1, tại 375 khu vực bầu cử thuộc 77 tỉnh, thành của Thái Lan có 1.272 người đăng ký ứng cử hạ nghị sĩ tại 347 khu vực bầu cử, trong đó có 22 khu vực chỉ có 1 ứng cử viên.

 

Tuy nhiên, trong thời hạn 5 ngày qua, đã xảy ra sự chống đối, ngăn cản của người biểu tình tại 8 tỉnh ở miền Nam Thái Lan, khiến Ủy ban bầu cử không thể tổ chức đăng ký cho các ứng cử viên hạ nghị sĩ ở 28 khu vực bầu cử.

 

Với kết quả đăng ký ứng cử hạ nghị sỹ này, nếu cuộc bầu cử Hạ viện được tổ chức đúng thời hạn vào ngày 2/2 tới, thì Hạ viện mới sẽ không thể đi vào hoạt động, vì số hạ nghị sỹ mới không đủ 95% tổng số 500 hạ nghị sĩ theo quy định của Hiến pháp hiện hành.

 

Trong trường hợp đó, theo Hiến pháp Thái Lan, Ủy ban bầu cử sẽ phải tổ chức bầu cử bổ sung trong vòng 180 ngày để có đủ số hạ nghị sĩ cho Hạ viện mới chính thức hoạt động.

 

Đại diện Chính phủ Thái Lan tạm quyền đã đề nghị Ủy ban bầu cử xem xét gia hạn thời gian đăng ký và địa điểm đăng ký cho các ứng cử viên hạ nghị sỹ ở  khu vực bầu cử; song Ủy ban bầu cử đã bác bỏ đề nghị này.

 

Trong khi đó, nhà lãnh đạo biểu tình Suthep ngày 1/1 tuyên bố, từ ngày 13/1 tới, lực lượng biểu tình sẽ phong tỏa Thủ đô Bangkok bằng việc chặn đường giao thông tại 20 ngã tư, nhằm gây sức ép buộc Thủ tướng Thái Lan tạm quyền Yingluck Shinawatra từ chức và quyết tâm "lật độ chế độ Thaksin". Ông Suthep còn cho biết, cuộc biểu tình phong tỏa thủ đô Bangkok sẽ kéo dài tới khi đạt được các mục tiêu này.

 

Dư luận xã hội Thái Lan lo ngại biểu tình kéo dài có thể làm cho tiến trình bầu cử bị bế tắc, không diễn ra đúng thời hạn quy định hoặc kết quả bầu cử không đạt yêu cầu.

 

Tiến trình bầu cử Hạ viện ở Thái Lan cũng có thể bị tác động nghiêm trọng hơn, nếu bất ổn chính trị gia tăng trong tháng này do Ủy ban chống tham nhũng hay Tòa án Hiến pháp đưa ra những quyết định gây nhiều bất lợi cho phe Chính phủ./.