Nữ tù nhân sống sót sau vụ thảm sát Đức Quốc xã qua đời

14:46, 24/02/2014

Bà Alice Herz-Sommer, nữ tù nhân cao tuổi nhất còn sống sót sau vụ thảm sát Holocaust đã qua đời ở tuổi 110 ngày 23/2.

Bà Herz - Sommer vốn là một nghệ sĩ dương cầm. Chính tình yêu âm nhạc và tình thương vô bờ bến đối với con trai đã giúp bà sống sót sau 2 năm trong một trại tập trung của Đức Quốc xã. Câu chuyện đầy cảm động về bà Herz - Sommer được dựng thành bộ phim tài liệu mang tên “Người phụ nữ trong phòng giam số 6: Âm nhạc đã cứu sống cuộc đời tôi”.

 

Bà Herz - Sommer qua đời trong một bệnh viện do sức khỏe suy yếu. Đạo diễn của bộ phim tài liệu nói trên ông Malcolm Clarke ngậm ngùi chia sẻ: “Trong suy nghĩ chúng tôi, bà Herz - Sommer không bao giờ chết”.

 

Một nhà sản xuất phim khác, Nick Reed, cho biết: “Câu chuyện về bà Herz -Sommer làm thay đổi cuộc sống của tôi. Ngay cả khi sự sống trong cơ thể bà đang dần dần tàn lụi, tinh thần kiên cường của bà vẫn không bao giờ tắt”.


Bà Alice Herz - Sommer sinh ngày 26/11/1903, tại Prague, và bắt đầu học piano từ người chị gái lúc 5 tuổi.

 

Năm 1931, cô gái trẻ Alice kết hôn với ông Leopold Sommer. Con trai của họ được sinh ra vào năm 1937, hai năm trước khi cuộc xâm lược của Đức Quốc xã.

 

Năm 1943, bà Herz - Sommer và con trai đã bị chuyển đến một trại tập trung ở thành phố Terezin, Czech. Tại đây, bà Herz - Sommer đã dùng năng khiếu âm nhạc của mình biểu diễn cho những tù nhân Do Thái.

 

Bà Herz - Sommer kể, bà nhớ mình đã luôn luôn mỉm cười trong thời gian ở trại tập trung Terezin, chính âm nhạc đã giúp bà giữ được nụ cười ấy trên môi.

 

“Người già, bệnh nhân, tù nhân đều đến thưởng thức những buổi trình diễn âm nhạc của tôi. Âm nhạc chính là nguồn sống. Với âm nhạc, chúng tôi tiếp tục lạc quan và hy vọng. Khi tôi chơi nhạc, mọi chuyện đã bớt khủng khiếp hơn rất nhiều”- bà Herz - Sommer hồi tưởng.

 

Ước tính có khoảng 140.000 người Do Thái bị chuyển đến trại tập trung Terezin và khoảng 33.430 người đã chết. Ở những trại tập trung khác, số lượng người Do Thái bị giết hại khoảng 88.000 người. Bà Herz - Sommer và con trai Stephan nằm trong số ít những người Do Thái được giải phóng bởi quân đội Xô Viết tháng 5/1945 và may mắn thoát chết.

 

Tuy nhiên, lúc cuối đời, bà Herz - Sommer vẫn còn mãi nuối tiếc chuyện bà đã không thể biết được nơi mẹ bà qua đời như thế nào hay chuyện người chồng yêu quý đã chết vì bệnh sốt phát ban tại Dachau.

 

Caroline Stoessinger, một nghệ sĩ piano ở New York, người đã viết một cuốn sách về bà Herz - Sommer cho biết, cô đã phỏng vấn rất nhiều người từng tham dự buổi trình diễn âm nhạc của bà Herz - Sommer, tất cả bọn họ đều nói âm nhạc đã khiến cho họ thêm hy vọng. “Tôi ước gì bà Herz - Sommer có thể quay lại để tôi nói lời ngưỡng mộ với bà ấy. Bà đã chơi nhạc cùng với tất cả sự kiên nhẫn và tình yêu thương”- cô Caroline chia sẻ.

 

Đặc biệt, cậu con trai của bà Herz - Sommer, được mẹ truyền cảm hứng âm nhạc, cũng tham gia biểu diễn ở trại tập trung. Khi đó, cậu bé 6 tuổi đảm nhiệm hát giọng sparrow trong buổi biểu diễn vở “Brundibar”. “Lúc đó, con trai tôi tràn đầy hứng khởi, tôi đã rất hạnh phúc bởi tôi biết cháu cũng cảm thấy hạnh phúc như vậy”- bà Herz - Sommer nhớ lại.

 

Con trai của bà Herz - Sommer, sau này đổi tên thành Raphael khi chiến tranh kết thúc, đã trở thành một nghệ sĩ cello trong các buổi hòa nhạc. Ông Raphael qua đời vào năm 2001./.