2,3 tỉ người sẽ sống trong nạn thiếu nước sạch trầm trọng

08:36, 23/03/2014

Nguồn nước ở nhiều nơi trên thế giới đang dần dần biến mất. 20% mạch nước ngầm đã bị khai thác cạn kiệt. Khoảng 2,3 tỉ người sẽ sống trong những khu vực khó tránh khỏi nguy cơ thiếu nước trầm trọng, đặc biệt là Bắc Mỹ, Trung Phi và Nam Phi.

Đây là thông tin được đưa ra trong bản Báo cáo Phát triển Tài nguyên nước 2014 do Liên hợp quốc kết hợp với UNESCO thực hiện vừa được công bố trong Lễ kỷ niệm Ngày Tài nguyên nước 22-3 tại Tokyo (Nhật Bản).

 

Sự gia tăng nhu cầu về năng lượng trên toàn cầu sẽ gây áp lực nặng nề với nguồn nước sạch thế giới trong thập niên tới, đặc biệt là ở những nền kinh tế đang đang nổi hoặc đang phát triển.

 

Bản báo cáo cho thấy, hiện nay, 15% tài nguyên nước được sử dụng cho sản xuất năng lượng. Tuy nhiên, con số này sẽ lên tới 35% vào năm 2035 do tình trạng bùng nổ dân số, quá trình đô thị hóa và những thay đổi trong tiêu dùng. Cũng tính đến năm này, nhu cầu về điện sẽ tăng thêm 70% mà nguyên nhân chính là do sự phát triển của Trung Quốc và Ấn Độ.

 

Liên hợp quốc dự đoán, đến năm 2030, dân số thế giới sẽ cần thêm 35% thực phẩm, hơn 40% nước và 50% các nguồn năng lượng. Ông Michel Jarraud, Chủ tịch Ủy ban Nước của Liên hợp quốc cho biết: "Những người sống trong tình trạng thiếu nước và các cơ sở vật chất cơ bản cũng thường là những người thiếu các nguồn năng lượng khác".

 

Để chiến đấu với thử thách đang đặt ra, bản báo cáo nhấn mạnh tới tính cấp thiết của việc kết hợp các chính sách quản lý nước và năng lượng. Giải pháp này bao gồm việc cân đối lại giá bán của các loại tài nguyên với giá trị thật của chúng và tính toán những tác động tới môi trường, đồng thời thiết lập hệ thống máy móc có thể sử dụng được ở khu vực khô cằn để sản xuất cả nước và điện.

 

Ông Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO phát biểu: "Báo cáo Phát triển Tài nguyên nước 2014 đặc biệt chú ý tới sự phụ thuộc lẫn nhau của việc quản lý nguồn nước và năng lượng, đòi hỏi sự thúc đẩy hợp tác giữa các lĩnh vực liên quan".

 

Liên hợp quốc kêu gọi các nước cần tạo ra môi trường khuyến khích đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng cùng với các lĩnh vực xã hội để thúc đẩy sự phát triển bền vững, hạn chế đầu tư không hiệu quả và chấm dứt lỗ hổng trong quản lý tài chính của cơ sở hạ tầng.