Một ngày sau tuyên bố hỗ trợ tài chính Ukraine, EU ngày 6/3 đã tính đến các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Đồng thời, EU cũng kêu gọi Nga lựa chọn đối thoại nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
Các cuộc thảo luận liên tiếp giữa Ngoại trưởng Nga-Mỹ cũng không giúp 2 bên thu hẹp được bất đồng và đạt được một thỏa thuận để giải quyết vấn đề Ukraine.
Các nhà lãnh đạo EU trong cuộc họp khẩn cấp tại Brussels, Bỉ, ngày 6/3 đã cảnh báo 3 bước trừng phạt với Nga, trong đó có cấm thị thực, phong tỏa tài chính và các hạn chế kinh tế, nếu Nga không tham gia đối thoại trực tiếp với chính quyền Ukraine để giải quyết bất ổn leo thang hiện nay.
Hành động đầu tiên của EU là việc ngừng các cuộc họp trù bị cho Hội nghị thượng đỉnh G8 dự kiến tổ chức tại thành phố Sochi của Nga vào tháng 6 tới và ngừng đàm phán quy chế miễn thị thực với Nga.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman van Rompuy cảnh báo “quan hệ Nga-EU sẽ bị tổn hại nặng nề” nếu căng thẳng Ukraine không được giải tỏa.
Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định, việc phong tỏa tài sản và cấm đi lại nhằm vào Nga sẽ nhanh chóng được áp đặt nếu đối thoại tại Ukraine không được triển khai.
Ông Cameron nói: “Chúng tôi nhất trí rằng tình hình tại Crimea hiện nay là không thể chấp nhận được và chúng tôi không thể tiếp tục hoạt động thương mại với Nga như trước đây. Đó cũng là lý do để chúng tôi quyết định ngừng đàm phán với Nga”.
Tổng thống Pháp François Hollande cảnh báo về khả năng sẽ có thêm trừng phạt kinh tế với Nga. Các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Hà Lan và nhiều thành viên EU khác cũng tuyên bố những diễn biến tại nước Cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine đang muốn sáp nhập vào Nga là "không thể chấp nhận được" và châu Âu sẽ có các bước đi cần thiết.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng phải lên tiếng cho rằng châu Âu cần cân nhắc "các biện pháp trừng phạt khác nhau" nếu Nga không thay đổi lập trường. Bà Merkel đồng thời tuyên bố ủng hộ gói hỗ trợ Ukraine 11 tỷ Euro vừa được EC thông qua.
Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman van Rompuy (Ảnh AFP)
Cuộc họp khẩn cấp của 28 nhà lãnh đạo EU diễn ra chỉ vài giờ sau khi Nghị viện nước Cộng hòa tự trị Crimea bỏ phiếu thông qua nghị quyết về sáp nhập vào Liên bang Nga, đồng thời đề nghị Tổng thống và Quốc hội Nga xem xét bắt đầu các thủ tục sáp nhập.
Crimea cũng ấn định thời điểm diễn ra cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề này là ngày 16/33 tới. Trong khi đó, được mời tham dự hội nghị, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk kêu gọi thêm sức ép của EU với Nga trong giải quyết cuộc khủng hoảng, mà ông cho rằng không phải của riêng Ukraine-Nga, mà còn là cuộc khủng hoảng tại châu Âu".
Về phía Nga, Bộ Ngoại giao nước này hôm qua (6/3) ra tuyên bố nêu rõ các động thái của Liên minh châu nhằm xem xét tạm ngừng cuộc đàm phán về quy chế miễn thị thực với Nga là "hành động chính trị hóa, không mang tính xây dựng và vô căn cứ", đồng thời bày tỏ hy vọng điều này sẽ không xảy ra.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc gặp không chính thức với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, bên lề Hội nghị quốc tế về Lybia diễn ra tại thủ đô Roma, Italy, tiếp tục thảo luận tình hình Ukraine.
Phát biểu sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Nga cho biết, hiện 2 bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào về vấn đề này.
Ngoại trưởng Lavrov cũng nhấn mạnh rằng việc Mỹ ban hành sắc lệnh trừng phạt cũng như cảnh báo sẽ áp đặt lệnh cấm thị thực đối với những công dân Nga bị Mỹ cáo buộc liên quan tới tình hình bất ổn tại Ukraine là không mang tính xây dựng.
Đây là cuộc gặp thứ hai giữa hai Ngoại trưởng Nga và Mỹ trong hai ngày qua, song đều kết thúc mà không đạt được đồng thuận của Nga về việc tiến hành đàm phán trực tiếp với chính phủ tạm quyền Ukraine.
Dù tuyên bố trừng phạt mạnh mẽ, song EU và Mỹ vẫn không từ bỏ nỗ lực thúc đẩy các đề xuất đối thoại và trung gian cho đàm phán Nga-Ukraine.
Theo đó, ngày 6/3, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã đề xuất khởi động một nhóm liên lạc, có thể bao gồm Nga, Ukraine, Mỹ và một số nước khác để thúc đẩy đối thoại giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Phát biểu tại Roma sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Kerry, ông Fabius cho biết đề xuất này đã được gửi tới Ngoại trưởng Nga: “Chúng tôi đã nhất trí với Nga về nỗ lực xây dựng nhóm liên lạc, trong đó có Nga, Ukraine, Mỹ và có thể là Pháp hay các nước khác trong Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu. Song làm thế nào để xây dựng nhóm liên lạc này? Chúng tôi đã gửi đề xuất để Ngoại trưởng Lavrov đệ trình tới Tổng thống Putin. Và nếu chúng ta đạt được một thỏa thuận, thì nhóm liên lạc này sẽ được thành lập”.
Lợi ích kinh tế, nguồn cung cấp dầu mỏ từ Nga là yếu tố khiến các nước châu Âu phải cân nhắc kỹ lưỡng mọi quyết định hành động. Những trừng phạt vừa công bố chỉ là bước đầu để tiếp tục gia tăng sức ép với Nga chấp thuận hòa giải của cộng đồng quốc tế trong giải quyết khủng hoảng Ukraine.
Với đề xuất mới này, châu Âu vẫn phải chờ phản ứng từ Moscow trước khi quyết định những hành động tiếp theo./.