Tuyên bố được Tổng thống Nga đưa ra đêm 28/2 có giọng điệu nhẹ nhàng hơn nhiều so với động thái trước đó của ông.
Theo Reuters, trong tuyên bố của mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu Chính phủ Nga làm việc với Ukraine và phương Tây để cung cấp một gói viện trợ tài chính giúp Ukraine khỏi sa lầy vào một cuộc khủng hoảng kinh tế.
Gần gũi hơn với phương Tây?
Thông điệp này của ông Putin được cho là gây bất ngờ nếu so sánh với quyết định đặt 150.000 binh sĩ nước này vào tình trạng cảnh giác cao độ với những diễn biến mới nhất tại Ukraine.
Trong tuyên bố của mình, ông Putin đã ra lệnh cho Chính phủ Nga “tham vấn với các đối tác nước ngoài, bao gồm cả Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) về triển vọng hỗ trợ tài chính cho Ukraine”.
Tuy nhiên, bản tuyên bố dài 3 trang được phát đi lúc 11h45' đêm 28/2 này dường như không thể hiện nhiều hy vọng của ông Putin rằng Ukraine có thể đóng vai trò then chốt trong dự định thành lập Liên minh Kinh tế Á-Âu Eurasia trải dài từ biên giới Trung Quốc đến sát khối EU của mình.
Mặc dù vậy, bản tuyên bố này cũng cho thấy một phần thái độ của ông Putin với việc phương Tây ủng hộ chính quyền mới tại Ukraine cũng như ngầm chứa một lời đe doạ rằng nếu phương Tây định giải cứu Ukraine khỏi phá sản mà không mời Nga tham gia thì Nga sẽ tự hành động.
Đến giờ, Nga dường như không còn mặn mà với gói cứu trợ trị giá 15 tỷ USD mà nước này hứa giúp Ukraine nếu ông Yanukovich đồng ý dừng việc ký thoả thuận song phương với EU và xích lại gần hơn nữa với Nga. Chính vì thế, Ukraine giờ lại phải quay sang cầu viện phương Tây.
Trong khi đó, một phái đoàn của IMF sẽ đến Kiev vào tuần tới và Chính phủ mới của Ukraine đã sẵn sàng đáp ứng mọi điều kiện của tổ chức này.
“Đối với ông Putin, Kiev giờ đã không còn tồn tại nữa. Trước đó, Kiev đã ký một thoả thuận với các nước phương Tây nhưng nước này đã không giữ lời. Tôi nghĩ rằng điều này làm ông Putin thấy tức giận. Ông ấy cảm thấy như mình bị lừa và sẽ tìm mọi cách để đáp trả”, Tiến sĩ Gleb Pavlovsky, cựu cố vấn tại điện Kremlin cho biết.
Đóng vai trò chủ động ở Crimea?
Trong khi Kremlin phát đi tuyên bố này, một nhóm vũ trang ủng hộ Nga tại bán đảo Crimea đã chiếm đóng hai sân bay lớn tại đây. Ukraine đã cáo buộc Nga “giật dây” vụ tấn công này bất chấp việc Nga đã lên tiếng bác bỏ.
Hiện vẫn chưa thể xác minh liệu điện Kremlin có mối liên hệ nào với những diễn biến diễn ra hết sức nhanh chóng tại Crimea-khu vực duy nhất tại Ukraine mà người Nga chiếm đa số.
Mặc dù vậy, ông Pavlovsky và nhiều quan chức khác tại Nga cho rằng vai trò của ông Putin trong vụ Crimea cũng tương đồng với vai trò của phương Tây trong việc thúc giục người biểu tình cố gắng kiểm soát tình hình tại Kiev.
Trong khi đó, một quan chức an ninh cấp cao của Ukraine đã chỉ đích danh điện Kremlin đã chỉ huy những nhóm vũ trang thân Nga tại Crimea.
“Tôi không nghĩ ông Putin đang chờ đợi điều gì, tôi nghĩ ông ấy đang hành động theo đúng kế hoạch của mình. Tôi đã nhìn thấy hành động của ông ấy qua việc các nhóm vũ trang trên đã chiếm đóng hai sân bay lớn tại Crimea”.
Tuy nhiên, người phát ngôn của Tổng thống Nga Putin, ông Dmitry Peskov tuyên bố: “Tôi sẽ không đưa ra bình luận gì. Những thông tin trên hoàn toàn là vớ vẩn”.
Trong khi đó, Duma Quốc gia Nga đã tuyên bố sẵn sàng thảo luận một bản dự thảo trong đó tạo điều kiện dễ dàng hơn cho một quốc gia hoặc một khu vực trở thành một phần của Nga nếu quốc gia hoặc khu vực trên bày tỏ mong muốn được làm việc này thông qua một cuộc trưng cầu dân ý.
Khó xử với ông Yanukovich
Cũng trong ngày 28/2, Tổng thống bị Quốc hội Ukraine phế truất Viktor Yanukovich đã xuất hiện tại thành phố Vostok, miền Nam nước Nga.
Sự xuất hiện này của ông Yanukovich được cho là sẽ khiến phương Tây giận dữ và chọc tức các nhà lãnh đạo mới của Ukraine vốn mong muốn Nga dẫn độ ông Yanukovich về Ukraine để xét xử tội thảm sát dân thường.
Nhiều người cho rằng ông Yanukovich không thể sang Nga nếu không có sự hậu thuẫn của ông Putin. Việc ông Yanukovich sang Nga buộc ông Putin phải cương quyết hơn nữa trong hành động bất chấp việc ông tỏ ra không hài lòng với ông Yanukovich, người mà ông cho là quá mềm yếu.
“Tôi nghĩ rằng có lẽ ông Putin đã nói với ông Yanukovich rằng: “Sao ông lại ở đây. Hãy quay về Ukraine nơi ông đang là Tổng thống”, ông Sergei Markov, một nhà phân tích chính trị Nga cho biết.
“Tôi nghĩ ông Putin muốn đóng vai trò xây dựng với tình hình đang diễn ra tại Ukraine nhưng phương Tây đã nói với ông ấy rằng ông ấy nên “biến đi” và phương Tây sẽ không chấp nhận một vai trò gì của Putin liên quan đến vấn đề Ukraine. Ông Putin sẽ vẫn giữ yên lặng nếu phương Tây không động đến lợi ích của Nga”, ông Markov nhấn mạnh./