Voi và tê giác liên tục bị săn trộm ở Kenya

08:50, 25/03/2014

Lực lượng chức năng ở hai khu bảo tồn tư nhân tại tỉnh Laikipia, Kenya đang truy tìm kẻ đã sát hại một cá thể tê giác trắng (có tên gọi Dennis) vào đêm 18-3.

Sự việc xảy ra khi những kẻ săn trộm nổ súng hạ sát tê giác tại khu bảo tồn được bảo vệ nghiêm ngặt Ol Jogi tại tỉnh miền Bắc Kenya, Laikipia. Cá thể tê giác trắng bảy tuổi đã bị bắn hạ khi đang gặm cỏ. Trong khi đó, một cá thể tê giác khác có tên Wasiwasi cũng bị ngắm bắn nhưng chỉ bị thương.

 

Phát biểu tại khu bảo tồn Ol Jogi, Wycliffe Ogallo, Ủy viên tỉnh Laikipia cho biết các nhân viên thực thi sử dụng chó nghiệp vụ đang truy tìm những kẻ tình nghi.

 

Cuộc truy tìm được một lực lượng đặc biệt của Cơ quan bảo tồn các loài hoang dã Kenya (KWS) tiến hành với sự phối hợp chỉ huy của trưởng nhóm Richard Chepkwony, Cảnh sát trưởng Angelus Karuru và Giám đốc Abdallah Komesha.

 

John Weller, Giám đốc khu bảo tồn Oljogi, cho biết tê giác bị bắn hạ vào khoảng 7 giờ tối. Tuy nhiên, những kẻ săn trộm đã không thể lấy sừng của các cá thể tê giác.

 

Trong một diễn biến khác, các kẻ săn trộm đã bắn hạ một cá thể voi cũng ở khu vực tỉnh Laikipia. Những kẻ phạm pháp này đã kịp mang ngà voi đi. Richard Chepkwony khẳng định: “Họ (những kẻ săn trộm) có thể đang được huấn luyện dở dang thông qua việc chỉ cắt được nửa ngà. Chúng tôi sẽ nhanh chóng tìm ra những kẻ phạm tội”.

 

Tình hình ngày càng tồi tệ hơn sau khi một cá thể tê giác khác bị sát hại và bị lấy sừng tại khu bảo tồn Olpejeta. Vụ việc trên xảy ra vào lúc 7 giờ tối ngày 21-3. Các vụ việc trên đang được tiến hành điều tra với sự trợ giúp của cảnh sát.

 

Theo thông tin của KWS, những người quản lý khu bảo tồn Oljogi đã có thông tin về khả năng tê giác bị săn trộm song đã không thực hiện các biện pháp bảo vệ kịp thời. Họ cũng được thông báo 4 giờ trước khi những tay săn trộm thực hiện các hành động sát hại ghê tởm tại khu bảo tồn. Đặc biệt, nguồn tin cho biết những kẻ bị tình nghi có khả năng đã bắt tay với các nhân viên bảo vệ tại khu bảo tồn.

 

Trước tình hình trên, Richard Leakey, Cựu giám đốc KWS cảnh báo Kenya cần phải thực hiện hành động dứt khoát với tình trạng săn bắt bất hợp pháp voi và tê giác. Ông cho rằng những kẻ săn trộm đã đạt đến tầm của tội phạm quốc tế với việc tự do hoành hành, sát hại voi và tê giác ở mức độ có thể dẫn đến tuyệt chủng. Đó là thảm họa quốc gia và phải ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn.

 

Nghiên cứu mới nhất của Wildlife Direct cho thấy chỉ có 4% các đối tượng xâm hại các loài hoang dã bị phạt tù trong giai đoạn từ 2008 đến giữa năm 2013. Báo cáo của KWS cho biết trong khi số lượng tê giác và voi bị biết hại ở Kenya tăng trong năm 2013, quốc gia Đông Phi này chỉ còn khoảng 1.030 cá thể tê giác và 38.000 cá thể voi.

 

Tuy nhiên, Paula Kahumbu, giám đốc điều hành Wildlife Direct khẳng định số lượng động vật hoang dã bị giết hại thực tế còn còn cao hơn thống kê của các cơ quan chức năng. Ông cũng cho biết các nhà bảo tồn đã dự đoán chỉ còn khoảng hơn 600 cá thể tê giác tồn tại ở Kenya.

 

Có 70% trong số 743 vụ bị truy tố bị bỏ qua. Điều tra của Interpol cho thấy rất nhiều ngà voi bị vận chuyển quá cảnh thông qua các cảng ở Mombasa song chưa có vụ việc nào được đưa ra xét xử ở Mombasa.

 

Trong khi đó, ở khu vực Đông Phi, nhiều chính phủ và cơ quan quản lý các loài hoang dã đã thực hiện các biện pháp quyết liệt, đặc biệt là tổng thống Kaguta Museveni của Uganda đã ra lệnh cho các cơ quan chức năng nước này bắn hạ ngay bất cứ kẻ săn trộm nào bị bắt quả tang nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên đem lại nguồn thu cho đất nước.