Mozambique phạt tù người săn bắn động vật hoang dã trái phép

08:26, 13/04/2014

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Mozambique, ngày 9/4/2014, Quốc hội Mozambique đã thông qua Luật về các khu vực bảo tồn động vật hoang dã (Lei das Areas de conservação), trong đó tăng mạnh khung hình phạt đối với hành động săn bắn trái phép động vật trong danh sách bảo tồn.

Đạo luật được xây dựng dựa trên Công ước Quốc tế của Liên hợp quốc về buôn bán các loài có nguy cơ tuyệt chủng (CITES). Điểm mới của Luật này là người vi phạm có thể bị phạt tù giam từ 8 - 12 năm. Khung hình phạt này cũng được áp dụng với việc đánh cá bằng chất nổ và hóa chất hay đốt phá rừng để phục vụ săn bắn trái phép.

 

Đây là lần đầu tiên Mozambique áp dụng hình phạt tù đối với những hành vi nói trên nhằm ngăn chặn các cá nhân, tổ chức săn bắn trái phép hiện đang hoành hành tại Mozambique, nhất là dọc biên giới Mozambique – Nam Phi khiến cho số lượng động vật hoang dã giảm nghiêm trọng trong thời gian qua. Trung bình mỗi ngày có từ ít nhất 2 - 3 con voi bị giết, khiến cho đàn voi Nam Phi đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

 

Trước đây, luật của Mozambique không phạt tù mà chỉ xử phạt hành chính (chủ yếu là phạt tiền) đối với người săn bắn trộm. Việc áp dụng khung hình phạt tù giam và mức án hình sự đối với hành động này được coi là biện pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng săn bắn trộm (đặc biệt đối với động vật trong danh sách bảo tồn). Ví dụ, người săn bắn trái phép voi hay tê giác sẽ chịu mức phạt cao nhất là 12 năm tù giam và phạt tiền đến 90 000 USD.

 

Việc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thịt và các bộ phận của động vật hoang dã bảo tồn vẫn chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính, tuy nhiên, mức phạt rất nặng: phạt tiền từ 50 đến 1.000 lần mức lương tối thiểu tại Mozambique (tức là khoảng từ 4.425 USD đến 88 500 USD). Hiện nay, các nước đi đầu trong phong trào bảo vệ động vật hoang dã như Mỹ, Pháp, một số nước Bắc Âu vẫn tiếp tục gây sức ép mạnh với chính quyền Mozambique để đưa khung hình phạt tù giam áp dụng cho hành vi tàng trữ, vận chuyển và buôn bán trái phép.

 

Theo thống kê của CITES, trong năm 2013 đã có 1.004 con tê giác chết vì bị săn bắt trộm (tăng mạnh so với 2012: 668 con; 2011: 448 con; 2010: 333 con; 2009: 122 con; 2008: 83 con và 2007: 13 con). Ba tháng đầu năm 2014, tại Công viên bảo tồn Kruger Park (biên giới Mozambique – Nam Phi), một nửa các vụ săn bắn trộm diễn ra là nhằm vào động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng với 166 loài (trong đó có 277 con tê giác bị giết hại), bất chấp việc Nam Phi triển khai quân đội để bảo vệ. Giới chức địa phương tiếp tục cho rằng các bộ phận cơ thể động vật đặc biệt là sừng tê giác và ngà voi được vận chuyển qua Mozambique là để xuất đi châu Á. Tháng 2/2014, các nhóm bảo tồn động vật cho biết có kế hoạch di chuyển 100 con tê giác sang nước láng giềng Botswana để bảo tồn.