Brazil - nghịch cảnh của một cường quốc

14:37, 28/05/2014

Thay vì sự háo hứng, vui mừng của đa số dân chúng Brazil đang đón đợi sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh - World Cup 2014, thì hàng nghìn người ở một số thành phố nước này liên tục  xuống đường biểu tình phản đối Chính phủ sử dụng hoang phí tiền ngân sách - tiền đóng thuế của dân để đầu tư cơ sở vật chất cho giải bóng đá thế giới mà nước này đăng cai.

Brazil đã bỏ ra một khoản tiền gần 12 tỷ USD để xây dựng sân vận động, sân bay, đường giao thông và các công trình phục vụ giải bóng đá, trong khi đó nền kinh tế đang gặp khó khăn, những người biểu tình cho rằng: đầu tư cho y tế, giáo dục và trợ cấp cho người nghèo tốt hơn là đổ tiền cho bóng đá. Những người quá khích đã chặn đường, tấn công cả đội tuyển quốc gia, ném đá vào nhà trưng bày cúp vàng bóng đá, đập phá nhà cửa, tổ chức các cuộc đình công...

 

Brazil nổi tiếng bởi quốc gia này là một cường quốc bóng đá, có đội túc cầu hùng mạnh nhất hành tinh với nhiều chiến công lừng lẫy, những tên tuổi cầu thủ huyền thoại như Pele, Romario, Roberto Carlos, Ronaldo, Ronaldinho, Kaka, Rivaldo… Đội bóng quốc gia của họ đã 5 lần bước lên đài vinh quang vô địch thế giới - thành tích và danh hiệu của Brazil làm cho bất cứ quốc gia nào cũng thèm khát và ngưỡng vọng.

 

Brazil còn là một cường quốc kinh tế ở Nam Mỹ và thế giới. Nhưng đằng sau những thành phố hiện đại, nhà cao tầng chọc trời, sầm uất với những khách sạn sang trọng, lộng lẫy vàng son, cung thể thao hiện đại ở Thủ đô Brasilia, các thành phố Sao Paulo, Rio de Janeiro…  là bức tranh tương phản với những khu nhà ổ chuột tạm bợ, rất nghèo nàn mà người dân lao động phải lo kiếm miếng ăn từng ngày. Những thành quả kinh tế tăng trưởng nhiều năm trong quá khứ đã không được chia đều cho các tầng lớp dân cư, người giàu ngày càng giàu và người nghèo ngày càng bần cùng hoá.

 

Được xếp vào nhóm những cường quốc kinh tế mới nổi (Trung Quốc, Ấn Độ, Nga), và là một nước nằm trong nhóm 10 quốc gia có quy mô kinh tế lớn nhất thế giới, GDP của Brazil đạt khoảng 2.000 tỷ USD, GDP bình quân đầu người là 11.000 USD/năm, nhưng nước này đang đối mặt với những khó khăn bất ổn vì bất công bằng. Brazil có khoảng 200 triệu dân, tỷ lệ dân nghèo chiếm trên 20%, hiện nay có khoảng 53 triệu người thuộc diện khó khăn, trong đó có 20 triệu người thiếu đói, nghèo khổ. Có khoảng 9% trong tổng số 100 triệu người ở độ tuổi lao động đang thất nghiệp.

 

Chỉ số Gini - chỉ số đánh giá sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập quốc gia của Brazil thuộc vào loại cao nhất khu vực Nam Mỹ, cao ngang bằng với các nước có sự chênh lệch giàu nghèo lớn nhất thế giới (người nghèo chỉ có thu nhập bình quân khoảng 40 USD/người/tháng).

 

Brazil là nước có nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ. Bình quân thu nhập đầu người vượt xa các nước trong khu vực này. Các ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước này là chế tạo máy bay, sắt thép, ô tô, hoá dầu, điện tử, dệt may… Trong nông nghiệp nổi tiếng là chăn nuôi, sản xuất cà phê, cam, đậu…  cho dù có nhiều tiềm năng về kinh tế nhưng trong hơn một thập niên qua nền kinh tế suy thoái, trì trệ, liên tục giảm sút đà tăng trưởng, đến nay chỉ đạt khoảng 1,8%.

 

Mặc dù vậy, trong nhiều năm qua, Brazil vẫn được quốc tế đánh giá là một trong những nước có nhiều thành tựu trong xoá đói, giảm nghèo, có chính sách ưu tiên đặc biệt giúp đỡ người nghèo. Sau nhiều năm thực hiện Chương trình “Brazil không còn người cực khổ”, nước này đã thực hiện việc trợ cấp, giúp vốn cho người nghèo bằng nguồn tài chính (được đánh giá là lớn nhất thế giới) với hàng chục tỷ USD và tạo ra việc làm mới cho hàng chục triệu người.

 

Được Liên hợp quốc đánh giá là nước có “phép màu” trong xoá đói, giảm nghèo, nhưng trong thực tế những bất công và sự chênh lệch giàu nghèo đã có từ rất lâu, tỷ lệ dân nghèo cao, nên những chính sách và nguồn lực của Chính phủ vẫn còn hạn chế không thể trợ giúp được hết tất cả những người nghèo.

 

Nghèo đói và bất công bằng xã hội là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc biểu tình chống đối Chính phủ trong việc đầu tư những khoản tiền lớn cho World Cup 2014.