Dõi theo tình hình tại Nam Sudan kể từ khi giành độc lập (7/2011), mới thấy quốc gia trẻ nhất thế giới này đã và đang phải bước những bước đi chập chững đầu tiên đầy khó nhọc như thế nào. Muôn vàn những khó khăn, thách thức mà có lẽ nếu không có sự giúp sức của cộng đồng quốc tế, thì một mình quốc gia chưa đầy 3 năm độc lập này sẽ khó lòng xoay xở...
Bất kỳ một quốc gia nào sau khi tuyên bố độc lập sẽ có rất nhiều việc phải làm, từ củng cố bộ máy chính quyền đến việc ổn định đất nước và phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng. Với Nam Sudan, ngoài những khó khăn thường thấy, quốc gia này còn vấp phải những thách thức phức tạp khác.
Trước hết, trong quan hệ với người láng giềng Sudan – quốc gia mà Nam Sudan đã tuyên bố tách khỏi vào tháng 7/2011, nhiều trục trặc đã xảy ra. Việc phân định ranh giới và nguồn tài nguyên dầu mỏ đã tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức cũng như gây thiệt hại lớn cho cả hai nước. Khủng hoảng kinh tế dần hiện ra sau khi hoạt động sản xuất dầu ngưng trệ và làm thiệt hại đến 98% thu nhập của nước này. Hai nước đã ngồi vào bàn đàm phán, trải qua nhiều vòng đối thoại, nhưng hiện mới chỉ đạt được một số thỏa thuận liên quan đến hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, chứ chưa nhất trí được bản đồ phi quân sự – khu vực an toàn tại dọc biên giới chung.
Bất đồng trong việc phân chia biên giới với Sudan chưa được giải quyết thì xung đột sắc tộc lại bùng nổ ở Nam Sudan, khiến nhiều người thiệt mạng và tạo nên một làn sóng đi di cư rất lớn, không chỉ ở phạm vi trong nước mà còn lan sang các quốc gia láng giềng.
Căng thẳng lại tiếp tục được châm ngòi vào tháng 7/2013, sau đúng hai năm giành độc lập, khi Tổng thống Salva Kiir cách chức phó Tổng thống Riek Machar và toàn bộ nội các. Động thái này đã mở đầu cho căng thẳng giữa cộng đồng Dinka của ông Salva Kiir và cộng đồng Nuer của ông Riek Machar. Đến ngày 15/12/2013, chiến sự giữa hai bên đã chính thức nổ ra, tính đến nay đã có hàng nghìn người thiệt mạng.
Như vậy, không chỉ trong quan hệ láng giềng mà ngay nội bộ Nam Sudan cũng phức tạp. Một khi, sự không thống nhất trong bộ máy chính quyền đã bộc lộ ra thành chiến sự, thì sự bất ổn chính trị sẽ tiếp tục là bài toán khó, cần có sự kêu gọi và trợ giúp của quốc tế. Tất cả những khó khăn tổng lực đó đã vẽ nên một bức tranh về “cuộc khủng hoảng đa chiều” tại Nam Sudan. Trong bức tranh ấy, chúng ta có thể thấy một vài điểm nhấn sau đây.
Đói kém, không nhà cửa và di cư
Trước khi bạo lực bùng phát vào 12/2013, Nam Sudan đã có các chỉ số nhân đạo nghèo nàn nhất thế giới, đứng ở cuối cùng của bảng xếp hạng toàn cầu về tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em và hơn một nửa dân số sống dưới mức nghèo khổ. Các chỉ số này đã không hề được cải thiện do cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ngày một trầm trọng tại quốc gia này.
Khủng hoảng nhân đạo đang ngày một trầm trọng tại Nam Sudan.
Thống kê của Liên hợp quốc cho thấy, hơn 3,7 triệu người, trong đó có khoảng 740.000 trẻ em dưới 5 tuổi ở Nam Sudan đang đứng trước nguy cơ cao của vấn đề an ninh lương thực. Nhiều người đã phải dùng đến những loại thực phẩm tự nhiên như cây cỏ để ăn.
Theo Cơ quan Điều phối nhân đạo Liên hợp quốc (OCHA), khoảng 1 triệu người đã bị mất nhà cửa trong vòng hơn 3 tháng qua kể từ khi bạo lực bùng phát vào giữa tháng 12/2013 do mâu thuẫn về chính trị giữa Tổng thống đương nhiệm Salva Kiir và cựu Phó Tổng thống Riek Machar.
Tính đến ngày 25/4, khoảng 870.000 dân thường đã phải rời khỏi nhà cửa kể từ khi chiến sự bắt đầu. Gần 10% trong số họ đang tìm kiếm sự bảo vệ tại 8 cơ sở của Liên hợp quốc tại Nam Sudan, trong đó có khoảng 32.000 người ở Juba, 18.000 người ở Malakal, 22.000 người ở Bentiu và 4.800 ở Bor.
Tuy nhiên, không một cơ sở nào được thiết kế để dành cho người vô gia cư, nhất là với số lượng lớn như vậy. Không gian hiện nay dành cho 1 người chỉ bằng 1/10 so với tiêu chuẩn nhân đạo tối thiểu. Do vậy, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao.
Bên cạnh đó, hơn 290.000 người dân Nam Sudan đã tới Uganda, Kenya, Ethiopia và Sudan. Trong đó, riêng tại Kenya có 35.000 người.
Dự kiến sẽ còn có thêm nhiều người sang tị nạn tại các quốc gia láng giềng do bối cảnh bạo lực. Vừa qua, lực lượng nổi dậy đã sát hại nhiều công dân Nam Sudan và người nước ngoài dựa trên quốc tịch và sắc tộc của họ sau khi chiếm giữ Bentiu – thủ phủ của bang Unity.
Bạo lực cũng tiếp tục bùng phát tại Bor – thủ phủ của bang Jonglei, khi một đám đông dân thường có vũ trang đã xông vào trụ sở của Liên hợp quốc và nổ súng nhằm vào người dân mất nhà cửa đang phải trú ẩn bên trong trụ sở.
Suy dinh dưỡng nghiêm trọng và hệ lụy đến tương lai
Hệ lụy của những khó khăn chồng chất, không chỉ có tác động trong bối cảnh hiện tại, mà còn có những ảnh hưởng lâu dài cho tương lai khi trẻ em Nam Sudan đang đứng trước bờ vực của một cuộc khủng hoảng dinh dưỡng trầm trọng.
Nếu không được hỗ trợ kịp thời, khoảng 250.000 trẻ em Nam Sudan sẽ phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính vào cuối năm nay.
Theo Liên hợp quốc, chiến sự nổ ra từ giữa tháng 12/2013 và vẫn tiếp diễn đến nay tại Nam Sudan có thể đẩy khoảng 50.000 trẻ em dưới 5 tuổi phải đối mặt với cái chết liên quan đến vấn đề dinh dưỡng, nếu như không có những hành động kịp thời.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đặt mục tiêu điều trị cho khoảng 150.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Mục tiêu này sẽ được thực hiện thông qua các đội phản ứng nhanh, nhằm cung cấp các loại thực phẩm chữa bệnh, bổ sung vi chất dinh dưỡng, thuốc men, túi lọc nước, vitamin A và thuốc tẩy giun; đồng thời hỗ trợ các bà mẹ đang trong giai đoạn mang thai và cho con bú.
Không những vậy, trẻ em còn nằm trong số những nạn nhân xấu số của các cuộc tấn công bằng súng trong thời gian qua tại Nam Sudan. Hiện con số chính xác đang được xác minh.
Theo Liên hợp quốc, trẻ em không phải là công cụ của cuộc chiến. Cơ quan này kêu gọi những người ở vị trí lãnh đạo và chỉ huy của các bên tham chiến cần có trách nhiệm để giúp trẻ em tránh khỏi nguy hiểm và cần thực hiện tất cả các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng trẻ em là một phần của các nhóm và lực lượng vũ trang.
Trẻ em là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi bối cảnh xung đột nói trên. Rõ ràng, không chỉ bị nguy hiểm về tính mạng, vấn đề suy dinh dưỡng do phải trải qua cuộc khủng hoảng lương thực cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tương lai của các em. Nếu không được hỗ trợ kịp thời, hàng nghìn trẻ em ở Nam Sudan sẽ bị còi cọc về thể chất, điều này cũng sẽ tác động không nhỏ đến trí lực của cả một thế hệ tương lai tại quốc gia non trẻ này.
Nam Sudan cần sự hỗ trợ về nhiều mặt từ cộng đồng quốc tế
Nguồn tin từ OCHA cho thấy, các điều kiện về nước và vệ sinh tại các điểm trú ngụ của người dân mất nhà cửa ở Nam Sudan rất đáng báo động, mỗi người chỉ được nhận từ 1 đến 3 lít nước mỗi ngày. Các cơ quan cứu trợ hiện đang nỗ lực để cải thiện chất lượng nguồn nước ở khu vực này.
Liên hợp quốc và các đối tác đang mở rộng quy mô hỗ trợ nhân đạo tại Nam Sudan.
Hiện một số trung tâm dành cho người tị nạn đang được xây dựng tại Nam Sudan, nhằm đảm bảo các điều kiện sống thuận lợi cho người dân trong mùa mưa. Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNAMISS) đã cho đóng cửa một số cơ sở tồi tàn và chuyển người dân đến những nơi an toàn hơn.
Bên cạnh đó, theo người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric, các cơ quan Liên hợp quốc và các đối tác đang thực hiện hoạt động cứu trợ, bao gồm cung cấp lương thực và thuốc men tới hàng chục nghìn người dân đang trú ngụ tại trụ sở của Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Trong một nỗ lực nhằm giúp đỡ người tị nạn Nam Sudan, mới đây, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã thực hiện một chương trình về dinh dưỡng và y tế. Theo đó, người dân được hỗ trợ lương thực để phục hồi dinh dưỡng. Những người mới đến được tiêm vắc-xin chống bại liệt và sởi tại các điểm nhập cảnh.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ngày 25/4 cho biết, cơ quan này đang kêu gọi khoản tiền trị giá 64 triệu USD trong 6 tháng tới nhằm hỗ trợ cho người tị nạn Nam Sudan tại 4 quốc gia Đông Phi là Kenya, Uganda, Ethiopia và Sudan.
Trước đó, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cũng bắt đầu xây dựng trại mới để giúp đỡ người tị nạn Nam Sudan ở Ethiopia với tổng số hiện nay lên tới 95.000 người và con số gia tăng trung bình là 1000 người mỗi ngày. UNHCR và các đối tác đã tăng số tiền kêu gọi hỗ trợ cơ bản cho người tị nạn Nam Sudan tại Ethiopia lên 102 triệu USD. Tuy nhiên cho đến nay, cơ quan này mới chỉ nhận được 43,6 triệu USD, chiếm 12% trong tổng số tiền cam kết viện trợ.
Những đóng góp và trợ giúp của cộng đồng quốc tế là rất đáng ghi nhận tại Nam Sudan trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng đa chiều tại quốc gia này vẫn cần nhiều hơn nữa sự chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế. Có như vậy, những bước đi đầu tiên của một quốc gia mới độc lập như Nam Sudan mới vững vàng và ổn định hơn./.