Theo Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á IISS (hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La) lần thứ 13 sẽ được tổ chức tại Singapore từ ngày 30/5 đến ngày 1/6.
Kể từ năm 2002, IISS - một trong những tổ chức nghiên cứu chiến lược hàng đầu thế giới - hằng năm đứng ra tổ chức Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á IISS tại Khách sạn Shangri-La ở Singapore.
Hội nghị là nơi để bộ trưởng quốc phòng, quan chức quốc phòng và quân sự cấp cao của các nước tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và một số cường quốc khác thảo luận những vấn để thời sự quan trọng nhất liên quan tới an ninh khu vực. Đối thoại Shangri-La đã trở thành sự kiện hằng năm của các nhà hoạch định chính sách quốc phòng chủ chốt của 27 nước châu Á-Thái Bình Dương.
Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 tới đây, Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe sẽ trình bày bài phát biểu đề dẫn vào tối 30/5. Ông Abe sẽ là nguyên thủ nước ngoài thứ sáu có bài phát biểu trước lễ khai mạc với tư cách là diễn giả chính. Thủ tướng Australia Kevin Rudd là diễn giả chính của Đối thoại Shangri-La năm 2009, sau đó đến Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak vào năm 2010, Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Najib Razak vào năm 2011, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono vào năm 2012 và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2013.
Thư ký báo chí của Lầu Năm Góc Jack Kirby cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sẽ tham dự Đối thoại Shangri-La 2014.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok thông báo rằng Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin sẽ tới Singapore để tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 13. Bên lề cuộc đối thoại này, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc sẽ nhóm họp song phương với người đồng cấp Mỹ Chuck Hagel và họp ba bên với ông Hagel và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera.
Đoàn đại biểu cấp cao của Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng sẽ tham dự Đối thoại lần thứ 13 này.
Theo chương trình của IISS, trong ngày 31/5 và ngày 1/6 sẽ diễn ra năm phiên họp toàn thể về các chủ đề: đóng góp của Mỹ vào ổn định ở khu vực; thúc đẩy hợp tác quân sự; giải quyết căng thẳng chiến lược; triển vọng hòa bình và an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương; đảm bảo giải quyết xung đột tại châu Á-Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó cũng có năm phiên họp đặc biệt về thách thức của việc duy trì và quản lý các vùng biển khơi; ảnh hưởng của năng lực quân sự mới tại châu Á-Thái Bình Dương; biến đổi khí hậu, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR) và an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương; ASEAN và trật tự an ninh khu vực đang nổi và tương lai của Triều Tiên: hàm ý đối với an ninh khu vực.
Tại Đối thoại Shangri-La 2014, lần đầu tiên IISS công bố tài liệu chiến lược IISS với tiêu đề “Đánh giá an ninh khu vực năm 2014.” Tài liệu này tập trung vào các chủ đề quan trọng nhất được thảo luận tại các cuộc đối thoại trước như sự thay đổi vai trò trong khu vực của các cường quốc, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ; những mối đe dọa từ những điểm bùng nổ bạo lực tiềm tàng, đặc biệt là Bán đảo Triều Tiên, Đài Loan (Trung Quốc) và các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.
Tài liệu này cũng đề cập tới những vấn đề về cạnh tranh quân sự trong khu vực và biện pháp để xây dựng một trật tự an toàn và ổn định hơn ở khu vực./.