Trong những ngày qua, dư luận và giới truyền thông quốc tế tiếp tục bày tỏ quan ngại và thông tin đậm nét về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép trong vùng biển của Việt Nam.
Nhiều hãng truyền thông lớn trên thế giới như AP (Mỹ), AFP (Pháp), Reuters (Anh), DPA (Đức)... cùng các tờ báo uy tín như New York Times, Wall Street Journal, Deutsch Welles, Straits Times của Singapore, các tờ Thế giới, Thời đại, Tấm gương của Đức... đã đồng loạt có bài viết, đưa lại nội dung cuộc họp báo quốc tế tại Hà Nội ngày 7/5 về thông tin các tàu Trung Quốc đã cố tình đâm vào tàu Việt Nam.
Các bài viết bình luận nhấn mạnh vụ việc này đã khiến căng thẳng trong khu vực leo thang và "sự hung hăng của Trung Quốc là đáng báo động với nhiều nước trong khu vực." Các báo cũng đánh giá hành vi này của Trung Quốc là “một trong những bước đi khiêu khích nhất” có thể dẫn đến “những xung đột nghiêm trọng hơn.”
Các hãng cũng trích đánh giá của giới học giả quốc tế cho rằng “chính sách của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, gây nên tình trạng căng thẳng ở Biển Đông.”
Theo Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) của Mỹ, Trung Quốc đang tận dụng tình hình chính trị thế giới rối ren để thử khả năng “áp đặt một hiện trạng mới”. Trong khi đó, AFP cho rằng đây là “một thay đổi lớn trong chiến thuật của Trung Quốc.”
Trước đó, nhiều nước đã lên tiếng chỉ trích hành động trái phép này của Trung Quốc. Phát biểu với báo giới ngày 7/5 ngay sau cuộc họp báo quốc tế của Bộ Ngoại giao Việt Nam về hành động của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nêu rõ: “Chúng tôi cực kỳ quan ngại về cách hành xử và hăm dọa tại các vùng biển có tranh chấp. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, hành xử một cách an toàn và thích hợp, giải quyết các yêu sách chủ quyền một cách hòa bình, thông qua ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế."
Bà nhấn mạnh: "Mỹ đã và đang xem xét nghiêm túc vụ việc này. Căn cứ vào lịch sử căng thẳng ở Biển Đông, việc Trung Quốc đưa giàn khoan là một hành động khiêu khích và không có lợi cho việc duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực. Diễn biến này càng cho thấy các tuyên bố về chủ quyền của các nước trong khu vực cần phải được dựa trên luật pháp quốc tế. Các hành động như thế không được phép xảy ra trong khu vực tranh chấp.”
Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain ngày 7/5 đã ra tuyên bố chỉ trích Trung Quốc cố tình gây căng thẳng ở Biển Đông. Ông khẳng định hành động của Trung Quốc “mang tính khiêu khích,” “đáng quan ngại” và “chỉ nhằm leo thang căng thẳng ở Biển Đông,” việc các tàu của Trung Quốc bao vây, đâm các tàu Việt Nam là “hành vi hung hăng và hiếu chiến”; cho rằng Trung Quốc phải “gánh chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành động đơn phương hòng thay đổi nguyên trạng này.”
Thượng nghị sỹ John McCain khẳng định “các hành động của Trung Quốc dựa trên những yêu sách lãnh thổ không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.”
Trong khi đó, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ va chạm giữa tàu Việt Nam và tàu Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông nêu rõ: "Chúng tôi vô cùng quan ngại về tình hình căng thẳng leo thang trong khu vực vì việc khai thác bất hợp pháp của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc không có hành động đơn phương khiến tình hình leo thang và kiềm chế theo đúng luật pháp quốc tế”./.