Ngày 25/6, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã công bố việc thành lập một quỹ tín thác mới nhằm hỗ trợ việc áp dụng các công nghệ tiên tiến phát thải các-bon thấp tại các nước thành viên đang phát triển của mình, với một khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 1,8 tỷ yên (khoảng 17,65 triệu USD) từ Chính phủ Nhật Bản.
Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Nobuteru Ishihara và Chủ tịch ADB Takehiko Nakao ngày 25/6 đã ký một Thỏa ước Hợp tác trong các Vấn đề Môi trường, trong đó bao gồm việc hợp tác để triển khai có hiệu quả Quỹ Cơ chế Tín dụng Chung Nhật Bản (JFJCM).
Phát biểu tại Lễ ký kết, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao cho rằng: “Việc thành lập Quỹ JFJCM là một bước tiến kịp thời nhằm hỗ trợ việc đáp ứng nhu cầu về các cơ sở hạ tầng bền vững, phát thải các-bon thấp của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Quỹ sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính không hoàn lại để giảm chi phí cho các công nghệ tiên tiến phát thải các-bon thấp, chẳng hạn như những công nghệ liên quan đến việc tạo năng lượng từ rác thải và lưới điện thông minh, trong bối cảnh những công nghệ này thường có chi phí đầu tư ban đầu cao và thời gian thu hồi vốn dài".
Do tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành khu vực có lượng phát thải khí nhà kính lớn với lượng phát thải khí các-bon đi-ô-xít của khu vực chiếm 43% tổng lượng phát thải trên toàn thế giới trong năm 2010. Tỷ trọng này có thể tăng lên mức 50% vào năm 2035. Các nước phát triển trong khu vực cần một lượng vốn đầu tư đáng kể để chuyển đổi sang con đường phát triển phát thải các-bon thấp.
Rất nhiều công nghệ tiên tiến phát thải các-bon thấp vẫn đang phải đối mặt với những rào cản đáng kể khi muốn áp dụng, chẳng hạn như chi phí ban đầu lớn và nhận thức về rủi ro rằng những công nghệ này không hoạt động được như kỳ vọng. Quỹ JFJCM sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính không hoàn lại cho chi phí ban đầu và hỗ trợ kỹ thuật nhằm giải quyết những rào cản đó.
Với việc thành lập Quỹ JFJCM, ADB là ngân hàng phát triển đa phương đầu tiên có một quỹ tín thác hỗ trợ các dự án giảm lượng khí nhà kính trong khuôn khổ Cơ chế Tín dụng Chung (JCM).
Cơ chế JCM là một cơ chế thị trường khí các-bon song phương giữa chính phủ Nhật Bản và các nước đang phát triển nhằm thúc đẩy các dự án giảm lượng khí nhà kính. Cơ chế này bổ sung cho các cơ chế thị trường khí các-bon đa phương, chẳng hạn như Cơ chế Phát triển Sạch (CDM) và đi theo một cách tiếp cận tương tự như Cơ chế CDM để tài trợ và tính toán lượng khí các-bon được xác nhận là đã giảm.
Các nước đủ điều kiện sử dụng Quỹ JFJCM là các nước thành viên đang phát triển của ADB đã ký biên bản ghi nhớ về cơ chế JCM với Chính phủ Nhật Bản. Cho đến nay, có 8 nước thành viên đang phát triển của ADB có đủ điều kiện, đó là Băng-la-đét, Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a, Lào, Man-đi-vơ, Mông Cổ, Pa-lau và Việt Nam. Danh sách các nước đủ điều kiện sử dụng Quỹ JFJCM dự kiến còn tiếp tục được bổ sung./.