(TN) - Liên hợp quốc có 5 cơ quan chính, đó là: Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế - Xã hội, Ban Thư ký và Tòa án Công lý quốc tế - ICJ (trong các cơ quan này có nhiều đơn vị trực thuộc).
Tòa án Công lý ra đời từ năm 1945 với hai chức năng là nhận hồ sơ, thụ lý, giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia thành viên và làm cố vấn pháp luật cho Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an. Sau này Liên hợp quốc có thêm Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) chuyên xét xử các cá nhân phạm tội ác chiến tranh, tội ác diệt chủng chống lại loài người.
Trụ sở Tòa án Công lý ở La Hay (Hà Lan). Cơ quan này có Hội đồng thẩm phán độc lập với 15 thành viên (theo quy định không có hai thành viên cùng một quốc tịch) gồm 5 người thuộc đại diện của 5 thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) và các thành viên khác, thường là đại diện của các châu lục. Đội ngũ thẩm phán do Đại hội đồng Liên hợp quốc bổ nhiệm. Căn cứ để xét xử các vụ tranh chấp là dựa vào Hiến chương Liên hợp quốc và các quy định của hệ thống luật pháp quốc tế. Việc kết luận vụ việc xét xử theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, không có quy định về phúc thẩm.
Từ khi cơ quan này ra đời đến nay, việc phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế có ý nghĩa về mặt chính trị, tinh thần nhiều hơn là hiệu quả, hiệu lực thi hành. Kết quả chấp hành việc phán xét tùy thuộc chủ yếu vào thiện chí và ý thức tự giác thực hiện của các bên tranh chấp. Nếu những vụ việc căng thẳng bên bị khởi kiện không thi hành phán quyết của Tòa án thì Hội đồng xét xử sẽ chuyển lên cơ quan Thường trực Hội đồng Bảo an giải quyết, nhưng hầu hết các vụ án như vậy đều dẫn đến bế tắc, vì quan điểm của các thành viên Thường trực thường không có sự đồng thuận, nên những kết luận phân xử mang tính pháp lý của Toà án khó có thể trở thành căn cứ để Thường trực Hội đồng Bảo an ra nghị quyết. Vì cơ chế đặc thù mang tính thông lệ sử dụng quyền phủ quyết của các thành viên Thường trực, chỉ một nước bỏ phiếu chống là không có bất cứ nghị quyết nào được ban hành.
Rất nhiều vụ án Tòa án Công lý đã phán quyết nhưng các bên vi phạm không thi hành tiêu biểu như các nước như Israel, Argentina, Hoa Kỳ... Tuy nhiên cũng có nhiều phán quyết về tranh chấp lãnh thổ có hiệu lực. Ví dụ năm 2013, Tòa án Công lý quốc tế đã xử vụ tranh chấp ngôi đền Preah Vhear giữa Thái Lan và Campuchia, Tòa đã phán quyết ngôi đền này thuộc về Campuchia, phía Thái Lan đã chấp thuận và thực hiện theo quyết định của Tòa.
Khi xét xử tranh chấp về biển Toà án sẽ dựa vào Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 (có hiệu lực thi hành từ 1994) đó là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích của các quốc gia có biển và quyền sử dụng đường biển của các quốc gia không có biển, bác bỏ các hành vi trái với Công ước.
Căn cứ vào Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982, chúng ta biết rằng Việt Nam có đủ các bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 và sử dụng các phương tiện quân sự, dân sự uy hiếp, tấn công cảnh sát biển và ngư dân Việt Nam là trái phép, vì các hoạt động đó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Không chỉ có những hành động như vậy, Trung Quốc còn thực hiện cuộc chiến tranh thông tin, chiến tranh tâm lý và cái gọi là chiến tranh “pháp lý” một cách phi lý khẳng định khu vực đặt giàn khoan là thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Ngày 9-6 đại diện ngoại giao của Trung Quốc ở Liên hợp quốc còn ngang ngược gửi một bản báo cáo (với các tư liệu không có cơ sở pháp lý) cho tất cả các thành viên Liên hợp quốc và khẳng định những chủ quyền phi lý của mình ở Biển Đông nói chung và các điểm mà Trung Quốc xâm lấn lãnh hải vùng đặc quyền kinh tế các nước khác.
Hiện nay Philippines đang kiện Trung Quốc lên Toà án Công lý quốc tế về việc xâm lấn chủ quyền biển đảo, sự phi lý của “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự ý áp đặt nhằm độc chiếm Biển Đông. Dư luận thế giới cho rằng phía Trung Quốc sẽ không có căn cứ pháp lý để bác bỏ những nội dung mà Philippines đưa ra toà.
Cho dù phán quyết của Toà án Công lý quốc tế ít có hiệu lực thi hành (vì các bên không tự giác thi hành và không có chế tài nghiêm khắc bắt buộc thi hành) nhưng vẫn có giá trị thực tế vì qua kết luận của Toà sẽ khẳng định nước nào đúng, nước nào sai trong việc tranh chấp, từ đó tạo nên áp lực dư luận để cộng đồng quốc tế hậu thuẫn cho bên đúng, lên án, phê phán những quốc gia vi phạm.