Dư luận các nước tiếp tục chỉ trích hành vi ngang ngược của Trung Quốc

12:14, 03/06/2014

Không khí Đối thoại Shangri-la 13, tại Singapore, đã được “hâm nóng” ngay từ những phút đầu tiên bởi chủ đề xoay quanh những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông, sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 vào vùng biển của Việt Nam.    

Đại diện các nước tham gia Shangri-la 13 chỉ trích những hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông

 

Trong 3 ngày cuối tuần (28/5-1/6), tờ The Straits Times của Singapore liên tục cập nhật những diễn biến, thông tin xoay quanh Đối thoại Shangri-la 13 – một diễn đàn được tổ chức thường niên, để các bộ trưởng quốc phòng, quan chức quốc phòng và quân sự cấp cao của các nước tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương thảo luận về các vấn để thời sự quan trọng nhất liên quan tới an ninh khu vực.

 

The Straits Times cho rằng, ở các vòng đối thoại trước, đại diện các bên đều tỏ ra kiềm chế khi đưa ra các bình luận mang tính “đối đầu” và chỉ đề cập “bóng gió xa xôi” về những mâu thuẫn đang nổi lên trong khu vực. Tuy nhiên, Đối thoại Shangri-la 13 đã trở thành một sự kiện “chưa từng có tiền lệ” kể từ lần đầu được tổ chức từ năm 2002 cho đến nay, khi mà bầu không khí của cuộc đối thoại ngày càng trở nên “nóng bỏng hơn”, cùng với việc diễn giả của các nước đã không ngần ngại, đề cập một cách thẳng thắn và mạnh mẽ về chủ đề tranh chấp lãnh thổ đang có dấu hiệu leo thang trên Biển Đông.

 

Tại Đối thoại Shangri-la, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã trở thành nhà lãnh đạo quốc tế đầu tiên, phát đi những thông điệp mạnh mẽ liên quan tới những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và biển Hoa Đông – vốn đang trở thành một thách thức lớn của khu vực trong thời gian trở lại đây.

 

Trong bài phát biểu đề dẫn trước hơn 400 đại biểu chính thức đến từ 30 nước và tổ chức quốc tế tham gia Đối thoại Shangri-la 13, Thủ tướng Nhật Bản đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại những lời lẽ nhằm lên án mạnh mẽ các hành vi của Trung Quốc, đồng thời tỏ rõ sự ủng hộ đối với Việt Nam và Philippines trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

 

Một số tờ báo lớn trong khu vực như: Hãng thông tấn NHK của Nhật Bản, tờ The Straits Times của Singapore đã chia sẻ quan điểm của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam - Đại tướng Phùng Quang Thanh - tại Đối thoại Shangri-la 13 nhằm yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức, rút giàn khoan khỏi vùng biển của Việt Nam và giải quyết mọi bất đồng thông qua đối thoại hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng đề cập tới khả năng Việt Nam sẽ sử dụng các biện pháp pháp lý – như là một phương sách cuối cùng trong giải quyết quan hệ căng thẳng với Trung Quốc trên Biển Đông.

Nhà lãnh đạo Nhật Bản kêu gọi các bên có quan hệ tranh chấp lãnh thổ cần tuân thủ những nguyên tắc tôn trọng luật pháp trong các hoạt động trên biển và đưa ra tuyên bố về chủ quyền dựa trên nguyên tắc luật pháp quốc tế. Ông Abe kêu gọi các nước không sử dụng vũ lực nhằm khẳng định các tuyên bố về chủ quyền, mà cần phải giải quyết mọi tranh chấp một cách hòa bình, thông qua đối thoại. Thủ tướng Nhật Bản hối thúc các nước có quan hệ tranh chấp lãnh thổ cần kiềm chế, tránh hành động đơn phương. Ông Abe cho rằng, những thách thức trong thời gian gần đây đã cho thấy, một nước không thể tự bảo vệ hòa bình cho riêng mình một cách đơn độc mà cần thông qua các quan hệ hợp tác quốc tế.

 

Tiếp theo sau bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel một lần nữa, lên tiếng cáo buộc Trung Quốc đơn phương có những hành vi “gây bất ổn” trên Biển Đông và coi đây là hành động đe dọa phát triển của khu vực trong dài hạn; đồng thời khẳng định rằng, Washington sẽ “không làm ngơ” khi các nước khác “cố tình phớt lờ” luật pháp quốc tế. Ông Hagel khẳng định, những cam kết “xoay trục” của Mỹ sang châu Á - Thái Bình Dương hiện đã trở thành “điều có thật” chứ không chỉ đơn thuần là lời tuyên bố hay cam kết.

 

Nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với các đồng minh và bạn bè ở châu Á, ông Hagel kêu gọi tìm kiếm hòa bình cho các tranh chấp quốc tế và đưa ra một thông điệp thẳng thắn tới Trung Quốc rằng, “trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã có các hành động đơn phương, gây mất ổn định, đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông. Mỹ sẽ không làm ngơ khi các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế bị thách thức”. Bên cạnh đó, ông Hagel cũng khẳng định rằng, nước Mỹ phản đối bất kỳ nỗ lực của quốc gia nào nhằm hạn chế hoạt động tự do di chuyển bằng đường không và đường biển của các tàu thuyền dân sự hay quân sự thuộc bất kỳ quốc gia nào dù lớn hay nhỏ.

 

Tại Đối thoại Shangri-la 13, Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnston cũng chia sẻ quan điểm của người đồng cấp Mỹ và cho rằng, những hành động nhằm gia tăng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là “không hữu ích” và cần phải được kiềm chế. Ông Johnston khẳng định: “Australia không nghiêng về bên nào trong quan hệ tranh chấp trên Biển Đông. Tuy nhiên, Australia có lợi ích chính đáng trong việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp, tự do thương mại và tự do hàng hải. Chính vì thế, mọi hành vi đe dọa hay sử dụng vũ lực nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng trên Biển Đông hoặc Biển Hoa Đông đều không thể chấp nhận được… Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan cần hành động kiềm chế, tránh các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982… Tiếp tục theo đuổi các hành vi đối đầu, như những gì đang diễn ra trên Biển Đông, sẽ chỉ mang lại những mối đe dọa rõ ràng cho tất cả mọi quốc gia trong khu vực… Bất kỳ một hành động nào nhằm phá vỡ an ninh, thông qua các tính toán sai lầm hay các hành vi đi ngược lại những nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế, tự do hàng hóa, giao thương trong khu vực sẽ là một thảm họa đối với tất cả các nước và để lại hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế trong khu vực”.

 

Về phía Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cũng bày tỏ những quan ngại sâu sắc trước diễn biến căng thẳng đang leo thang trên Biển Đông. Trong bối cảnh trên, ông Hussein nhấn mạnh tới việc “xây dựng niềm tin” giữa các nước trong khu vực, đồng thời khẳng định rằng, việc ASEAN và Trung Quốc tiến hành đối thoại để giải quyết một cách hòa bình các quan hệ tranh chấp trên Biển Đông là “một giải pháp duy nhất”.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cũng thừa nhận không khí của Đối thoại Shangri-la 13 đã “nóng bỏng hơn nhiều” so với sự kiện diễn ra hồi năm ngoái. Bên cạnh đó, ông Ng Eng Hen cho rằng, các nước cần tiếp tục thảo luận về những vấn đề thời sự trong khu vực mà cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

 

Phát biểu bên lề Đối thoại Shangrila, Thủ tướng Singapore Lee Hsien Loong cũng kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, nhanh chóng hoàn tất các thủ tục thông qua Bộ quy tắc ững xử trên Biển Đông (COC).

 

Dư luận quốc tế bác bỏ những ngụy biện “vô lý” của đại diện Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-la 13

 

Trong khi đại diện các nước đều tỏ rõ lập trường ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chính nghĩa và bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những hành động “đơn phương gây bất ổn” của Trung Quốc trên Biển Đông thì đại diện Trung Quốc lại có những “ngụy biện” ngô nghê, theo lối “một mình một kiểu” tại Đối thoại Shangri-la 13.

 

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-la 13, Phó tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung tiếp tục bảo vệ những hành động “đơn phương, ngang ngược” của Trung Quốc trên Biển Đông. Bên cạnh đó, ông Vương Quán Trung còn lên tiếng cáo buộc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phối hợp "tung hứng" trong việc chỉ trích Trung Quốc. Ông Vương cũng nói rằng, ông đã rất ngạc nhiên bởi việc Nhật, Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng Úc David Johnston cùng cao giọng và sử dụng nhiều cụm từ tương tự trong những lời chỉ trích Trung Quốc.

 

Ngay lập tức, những lời “phản pháo” vô lý của ông Vương Quán Trung đã được chia sẻ rộng rãi trên nhiều phương tiện truyền thông quốc tế và gây nhiều bất bình từ phía lãnh đạo các nước cũng như nhiều học giả quốc tế.

 

Hãng thông tấn NHK cho biết, ngay sau bài phát biểu của ông Vương Quán Trung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh đã bày tỏ quan điểm phản đối mạnh mẽ và cho rằng, những lời lẽ của ông Vương Quán Trung chỉ nhằm bao biện cho những hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông.

 

Hãng thông tấn Nhật Bản dẫn lời ông Nguyễn Chí Vịnh khẳng định, Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981; đồng thời, ủng hộ tuyên bố của ông Nguyễn Chí Vịnh nhằm giải quyết những căng thẳng trên biển một cách hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế.

 

Về phía một đại diện Anh tham gia Đối thoại Shangri-la 13 cho rằng, những tranh cãi trên cho thấy đang tồn tại một “khoảng cách lớn” giữa Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc. Đại diện trên nhấn mạnh tầm quan trọng “hơn bất cứ điều gì hiện nay” là tất cả các bên cần tham gia đối thoại và tạo dựng lòng tin, sự hiểu biết lẫn nhau.

 

Đại diện Phần Lan tham gia Đối thoại Shangri-la 13 lại cho rằng, ông Vương Quán Trung đã “nói quá” khi cho rằng, Nhật Bản và Mỹ đang “khiêu khích” Trung Quốc liên quan tới tình hình trên Biển Đông.

 

Ông Christian Le Mìere, thành viên cao cấp của Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược Mỹ chuyên về lực lượng hải quân và an ninh hàng hải cho rằng, biện minh của ông Vương Quán Trung đã sai hoàn toàn, bởi: "Không thể tuyên bố chủ quyền rộng lớn trên biển, chỉ vì tin rằng mình có quyền trong lịch sử với vùng biển này". Ông Le Mìere cho rằng: "Nó (cách nghĩ của ông Wang) là một mớ bòng bong và làm đảo lộn hệ thống quốc tế. Nó sẽ là một ý tưởng khủng khiếp".

 

Bình luận về những lập luận của ông Vương Quán Trung đưa ra tại Shangri-la 13, tờ The Epoch Times đã có bài viết “Ngôn từ hằn học và toan tính lạnh lùng của Trung Quốc tại đối thoại quốc phòng khu vực”.

 

Bài viết dẫn lời nhà nghiên cứu Richard Fisher tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược Quốc tế nhìn nhận: “Sứ mệnh của ông Vương là hăm dọa cả Mỹ, Nhật Bản, không để hai nước này bảo vệ lợi ích của họ, với việc chối bỏ không có lỗi lầm nào trong các căng thẳng quân sự ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”. Dụng ý của Bắc Kinh là rõ ràng và giới hoạch định chính sách ở châu Á cần phải nhận thấy là, “Trung Quốc đang sẵn sàng giết người”, để từ đó gây sức ép buộc các nước phải lùi bước, để quân đội Trung Quốc kiểm soát hiệu quả Biển Đông như là “ao nhà”.

 

”Nếu như Trung Quốc có thể đơn giản là chỉ hét vào những nước khác để buộc họ phải từ bỏ những lợi ích của mình, thì Trung Quốc sẽ sẵn sàng làm vậy… Tuy nhiên, hiệu quả chiến lược này đến đâu là điều còn chưa rõ ràng… Mặt trái trong cách tiếp cận này sẽ là: Hành động và ngôn từ “kích động” trên có thể sẽ có tác dụng ngược… Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nguy cơ lớn hơn. Sự xuất hiện của thái độ thù địch và không rõ lý do sẽ tạo điều kiện để Mỹ và Nhật Bản lôi kéo các nước khác tiến đến hành động phối hợp chung” - ông Fisher nói./.