Trang web Cục Hải sự Trung Quốc ngày 17/6 đưa tin, Trung Quốc tiếp tục đưa giàn khoan dầu thứ 2 ra Biển Đông.
Theo thông tin từ Cục Hải sự, tàu kéo Đức Gia kéo giàn khoan Nam Hải số 9 (Nan Hai Jiu Hao) từ vị trí có tọa độ 17°38 vĩ độ Bắc 110°12.3 vĩ độ Đông tới vị trí có tọa độ 17°14.1 vĩ độ Bắc 109°31 vĩ độ Đông trên Biển Đông. Giàn khoan này dự kiến di chuyển từ ngày 18-20/6.
Giàn khoan Nam Hải số 9 có chiều dài tổng cộng 600 m và tốc độ di chuyển khoảng 4 hải lý/giờ.
Thông báo về việc di chuyển giàn khoan trên trang web của Cục Hải sự Trung Quốc.
Giàn khoan Nam Hải số 9 là loại giàn khoan nửa chìm nửa nổi do Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ giàn khoan Trung Quốc (COSL), đơn vị trực thuộc Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC), quản lý và vận hành.
Nam Hải số 9 được chế tạo năm 1988 và nặng 21.714 tấn.
Vị trí mới của giàn khoan Nam Hải số 9 (chấm vàng ngoài cùng bên trái) được di chuyển từ vị trí cũ (trên cùng). Chấm vàng bên phải là vị trí của giàn khoan Hải Dương-981.
Báo chí Trung Quốc hồi đầu tháng này đưa tin, COSL đã ký hợp đồng với Công ty đóng tàu Đại Liên và Công ty công nghiệp nặng Trung Quốc tại Thâm Quyến để chế tạo 3 giàn khoan dầu mới, tên gọi Hải Dương-982, Hải Dương-943 và Hải Dương-944.
Trong khi đó, từ đầu tháng 5, CNOOC đã triển khai trái phép giàn khoan Hải Dương-981 sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa. Bắc Kinh còn điều hàng trăm tàu, trong đó có cả các tàu quân sự, để hỗ trợ việc lắp đặt và bảo vệ giàn khoan này.
Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam và sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc cho tới nay vẫn chưa rút giàn khoan này ra khỏi lãnh hải Việt Nam.
Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang ồ ạt chế tạo các giàn khoan nhằm phục vụ tham vọng khai thác dầu khí để giải quyết cơn khát năng lượng và âm mưu độc chiếm Biển Đông.